Kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"
(Dân trí) - Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng nêu rõ quan điểm, kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Sáng 23/3, tại TP Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn triển khai được quy hoạch, Vĩnh Long cần phát huy nguồn lực quan trọng nhất là nội sinh. Khai thác tối đa nguồn lực bên trong; tập trung vào các ngành mới nổi về chuyển đổi xanh, số, kinh tế tuần hoàn…
Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng tạo không gian phát triển mới; Giảm chi phí logistics từ 17 đến 18% xuống 10-11% như mức độ trung bình của thế giới; Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; Cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng đã nêu rõ vai trò quan trọng của quy hoạch và quy hoạch tỉnh Vĩnh Long đồng thời chỉ rõ về các yếu tố nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nước ta, đồng thời khẳng định quan điểm phát triển trong thời gian tới là tăng trưởng xanh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm, kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng...
Về nhiệm vụ của tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Thủ tướng yêu cầu, địa phương huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị.
Bên cạnh đó, ông yêu cầu tỉnh Vĩnh Long cần quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, sinh kế cho người dân.
Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn, kè chống sạt lở; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị, cần phải kinh doanh và đầu tư đúng quy định của pháp luật. Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển".
Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Vĩnh Long đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, bộ, ngành đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất.
Ông tin tưởng rằng, với tiềm năng, lợi thế của mình, Vĩnh Long sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Vĩnh Long với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đã đến, đã cam kết phải thực hiện và phải thực hiện nhanh, hiệu quả.
Vĩnh Long "cất cánh" với một trục động lực, hai hành lang kinh tế
Theo Quy hoạch của tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương ở đồng bằng.
Vĩnh Long tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 là 7%/năm; trong đó, cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Khu vực nông nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 26%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 25%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45%;...
Các hành lang kinh tế được tỉnh này tập trung phát triển trong thời gian tới là hành lang kinh tế dọc sông Hậu, kết nối 4 huyện thị gồm Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình và Trà Ôn; hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên kết nối TP Vĩnh Long, Mang Thít và Vũng Liêm.
Ngoài ra còn một trục động lực đi ngang quốc lộ 1 sẽ phát triển khu công nghiệp, logistics...
Dịp này, lãnh đạo Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 13 dự án đầu tư vào tỉnh, với tổng mức vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng.