1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thủ tướng: Chủ động thông tin, không để vấn đề nóng kéo dài

(Dân trí) - Dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Văn phòng Chính phủ hôm nay, 21/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cơ quan tham mưu chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để ngăn chặn hiệu quả thông tin bất lợi, không để vấn đề nóng kéo dài.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2013 của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Quang Thắng nhấn mạnh trách nhiệm thẩm tra, tham mưu, tổng hợp ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Mặc dù số lượng văn bản phải xây dựng, ban hành năm 2013 tăng hơn so với các năm trước, nhưng số văn bản nợ đọng ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong quá trình thẩm tra đề án, dự án, dự thảo, VPCP đã chú trọng đến việc đánh giá tác động của chính sách, có sáng kiến và bước đầu tổ chức thí điểm cơ chế tham vấn ý kiến chuyên gia nhằm bảo đảm tính khả thi của chính sách, hạn chế ban hành những chính sách chưa phù hợp hoặc chưa thực sự bức thiết gây phản ứng trong dư luận xã hội.

Thủ tướng: Chủ động thông tin, không để vấn đề nóng kéo dài
Thủ tướng và 3 Phó Thủ tướng cùng tới dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Quang Thắng khẳng định, VPCP thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn, dư luận xã hội để báo cáo, đề xuất Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, xử lý kịp thời hoặc phân công các Bộ, ngành, địa phương xử lý, kiểm tra, báo cáo; chủ động thông tin về các vấn đề nóng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí nhất là các vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Về chức năng cung cấp thông tin cho công chúng, năm qua, VPCP đã tập trung thực hiện tốt hơn việc này cũng như việc bảo đảm thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; đã triển khai mạng thông tin hành chính điện tử Chính phủ 2 cấp từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan; xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu bộ biểu mẫu, chỉ tiêu báo cáo.

Trong năm, cổng Thông tin điện tử Chính phủ đăng tải cập nhật 1.470 văn bản quy phạm pháp luật; 2.733 văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; 108 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp thực hiện 44 Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, 8 Chương trình “Người dân và Chính phủ”; tổ chức 24 tọa đàm trực tuyến; tiếp nhận, xử lý 3.800 phản ánh, kiến nghị…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao kết quả đạt được, sự tiến bộ trên từng lĩnh vực của VPCP.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, cần tiếp tục cố gắng trong hoạt động của VPCP. Cụ thể, đơn vị thời gian qua vẫn chưa nắm bắt, bao quát được nhiệm vụ của các bộ ngành.

Thủ tướng đặt vấn đề, cơ quan tham mưu xây dựng được chương trình thì phải tổ chức triển khai thực hiện. Trả lời câu hỏi một năm các đề án đưa ra không được thực hiện, ai là người quản lý, Thủ tướng khẳng định chính VPCP phải đứng ra lo việc này, trách nhiệm trước hết của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng, sau đến các Vụ chuyên môn.

Về việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật khiến hoạt động xã hội bị nghẽn, chậm lại, Thủ tướng cho rằng, thực tế hiện tại không chỉ 18 văn bản còn nợ. “Tôi rất sốt ruột việc này vì đây là trách nhiệm của Chính phủ. Chúng ta nói hoàn thiện thể chế cho nhà nước pháp quyền, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân thì phải đôn đốc các Bộ, ngành vấn đề xây dựng thể chế, chính sách” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đề ra nhiệm vụ năm 2014 không tiếp tục chậm, nợ các văn bản quy định hướng dẫn luật. Theo đó, VPCP phải bám sát từng Bộ, thúc đẩy, làm nghiêm túc việc này. Thủ tướng lưu ý, đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chuyện làm luật Đầu tư công, bị đình đi đình lại, đến khi Thủ tướng phải trực tiếp làm việc với các Bộ, ngành liên quan liền mấy ngày mới “chốt” được. Các quy định sau đó mang lại hiệu quả ngay, giúp khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải.

Thủ tướng chỉ rõ thực trạng, dưới nghị định, lượng thông tư nợ vẫn còn lớn và nhắc lại, trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra trước hết là của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn)

Ngoài ra, khi xử lý ý kiến, quan điểm khác nhau giữa các Bộ, VPCP cần tham mưu nghiên cứu đề xuất hướng giải quyết, nếu chưa thống nhất thì báo cáo lên Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực để họp, kết luận, bước sau cùng mới lên đến Thủ tướng. Thủ tướng dẫn chứng, vừa qua có vấn đề Bộ Khoa học – Công nghệ có ý kiến trái với Bộ Tài chính, Thủ tướng cùng ngồi bàn bạc, xem xét, chỉ 15 phút, chỉnh lại chỉ một câu một chữ là giải quyết xong.

Một câu chuyện khác, về giá sữa, 2 Bộ Tài chính, Công Thương không thống nhất quan điểm, VPCP đứng ra xử lý, mọi việc đã suôn sẻ.

Về việc cung cấp thông tin, Thủ tướng lưu ý cơ quan tham mưu theo dõi thông tin phản ánh trên báo chí như một nguồn phản ánh quan trọng để có thể kịp thời xử lý, chỉ đạo. Người đứng đâu Chính phủ gợi ý cơ quan giúp việc khi có thông tin phản ánh có thể chủ động kham khảo ý kiến Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực là báo chí phản ánh như vậy, cần định hướng, chỉ đạo, giải quyết thế nào?

“Trước đây chúng ta chưa nhấn mạnh chức năng này của VPCP. Giờ phải chủ động cung cấp thông tin cho nhân dân, cho báo chí, toàn xã hội trong và ngoài nước biết về hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính, hành pháp cao nhất. Chủ động cung cấp tin trong các cuộc họp báo là hết sức quan trọng” – Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng phân tích, thông tin nhanh, chính xác kịp thời sẽ ngăn chặn hiệu quả thông tin bất lợi, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Với chức năng tham mưu, VPCP phải nhanh nhạy đề xuất, không để vấn đề nóng kéo dài.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm