Thủ tướng: Chiến lược là phải sản xuất được vắc xin phòng Covid-19
(Dân trí) - Ngày 7/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm việc với các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động này.
"Có niềm tin sẽ sản xuất thành công vắc xin phòng Covid-19"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vắc xin là: huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất và đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý vấn đề bảo quản, tiêm vắc xin nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu, những công việc này phải tiến hành khẩn trương, "vừa chạy vừa xếp hàng".
Nhắc lại thực tế hiện nay, việc tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vắc xin lại phải tiến hành định kỳ lâu dài theo tinh thần "sống chung an toàn với dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời việc mua vắc xin, cả nước phải phát huy truyền thống tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Thủ tướng khẳng định quan điểm "3 không và 5 thật" trong việc tháo gỡ khó khăn. "3 không" là "không nói không , không nói khó, không nói có mà không làm". "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật".
Theo báo cáo của lực lượng chức năng, Việt Nam đã huy động tổng lực nguồn nhân lực chất lượng cao, mời các nhà khoa học và các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia công tác này. Đến nay, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trên nhiều mặt về nghiên cứu cơ bản xác định các chủng virus mới; phát triển kit xét nghiệm, sản xuất máy thở; nghiên cứu phác đồ, phương pháp điều trị mới; nghiên cứu, sản xuất vắc xin; tiếp cận nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới với các đối tác nước ngoài…
Kết luận sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng quán triệt, để chủ động thực hiện chiến lược vắc xin, phải sản xuất được vắc xin trong nước. Mọi chiến lược, kế hoạch, chính sách với việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin phải vừa mang tính xã hội, vừa mang tính thương mại.
Thủ tướng nhận định, đây là công việc rất khó khăn, thách thức, nhưng khó đến mấy cũng phải làm, bởi Việt Nam đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng, sinh mệnh của nhân dân là trên hết, là trước hết, nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Nhà nước có niềm tin sẽ làm được và củng cố niềm tin của người dân để người dân cùng tham gia, đóng góp cho nhiệm vụ này.
Thủ tướng đòi hỏi các lực lượng phải hành động vì quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, của cộng đồng. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý tạo hành lang pháp lý thông thoáng, các nhà khoa học tâm huyết, các doanh nghiệp chung tay đóng góp cho xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Thời gian, nguồn lực đều có hạn nên phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, cụ thể là quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vắc xin Covid-19.
Bảo vệ người nghiên cứu, sản xuất vắc xin
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh đầu tiên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong nghiên cứu, thí điểm có thể có những rủi ro, nhưng nếu những người thực hiện không có động cơ xấu, không vì tiêu cực, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì Đảng, Nhà nước phải bảo vệ.
Thủ tướng quán triệt, phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng được chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu quyết tâm tháo gỡ bằng được các vướng mắc về mặt pháp lý, các Bộ ngành phải bám sát tình hình, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao để giải quyết, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc này. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tiếp nữa là yêu cầu huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công - tư là chủ đạo, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cùng với các hình thức huy động, các nguồn hợp pháp khác như Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19, với mục tiêu tất cả vì sức khỏe và sinh mạng của người dân, của cộng đồng.
Về con người, phải có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin. Đặc biệt, phải khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và lòng say mê nghiên cứu, duy trì điều này lâu dài, ổn định. Đảng, Nhà nước trân trọng và ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học.
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu rút ngắn thời gian thử nghiệm và đánh giá vắc xin, vừa thận trọng, bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó là việc nghiên cứu rút gọn quy trình cấp phép vắc xin trên cơ sở thực tiễn và khoa học, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, khách quan, chống tiêu cực.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia là đầu mối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin nói chung và vắc xin phòng chống Covid-19 nói riêng. Xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin.
Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vắc xin. Làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin trong thời gian tới.