Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương "kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu"
(Dân trí) - Quán triệt chỉ đạo kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, ngày 4/7.
Trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng đã thành lập 25 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với tất cả địa phương; đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.
Nghiên cứu tăng 4-5%GDP cho đầu tư hạ tầng
Thủ tướng lưu ý ngay từ tháng 10/2022, Thủ tướng đã chỉ đạo tăng thêm 1,5-2% tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Ngân hàng Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiếp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Đề cập đến các giải pháp, Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. "Đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm", theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Bên cạnh việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng một lần nữa quán triệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với quy mô khoảng 4-5% GDP trong những năm tới, nhưng không ảnh hưởng đến trần nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nợ quốc gia. "Vấn đề là phải sử dụng vốn có hiệu quả", Thủ tướng lưu ý.
Bộ Giao thông vận tải được giao triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc, chọn được nhà thầu xây dựng sân bay Long Thành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh.
Với Bộ Công thương, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.
Ngoài yêu cầu triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu.
Dư địa chính sách còn khá lớn
Về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng năm 2023, Thủ tướng ghi nhận xu hướng phát triển tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Đề cập quan điểm chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%.
Theo người đứng đầu Chính phủ, do dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này.
"Đây cũng là điểm mạnh của ta so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong chỉ đạo điều hành, ông lưu ý cần bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" sang "chắc chắn" và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". Theo Thủ tướng, việc điều chỉnh chính sách này là cần thiết trong điều kiện hiện nay.