Thủ tướng: Biển Đông là trung tâm trong định hướng hòa bình của ASEAN

(Dân trí) - Tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch ASEAN năm 2020 - phân tích các nguy cơ cũng như định hướng hợp tác của các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn tới.

Sáng 12/11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng tới dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.

Sau phát biểu chào mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 tuyên bố chính thức khai mạc hội nghị quan trọng nhất trong năm của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Thủ tướng: Biển Đông là trung tâm trong định hướng hòa bình của ASEAN - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 tuyên bố khai mạc hội nghị quan trọng nhất năm.

Hiện thực hóa cam kết xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình

Chào mừng lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác tham dự hội nghị, Thủ tướng nêu lý do dịch bệnh Covid-19 khiến các nước không có dịp gặp gỡ trực tiếp, nhưng suốt năm qua, trên các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, các quốc gia vẫn duy trì trao đổi và hợp tác, rút ngắn khoảng cách địa lý và không gian vật chất giữa các quốc gia.

Nhắc lại bối cảnh cả thế giới đang trải qua thời khắc vô cùng khó khăn khi cuộc sống và sinh mạng người dân bị đe dọa bởi Covid-19, đời sống kinh tế - xã hội bị đảo lộn, chất chồng thêm bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán gay gắt, Thủ tướng Việt Nam nhận định, những tiến bộ xã hội và thành quả kinh tế tích lũy được hàng thập kỷ có nguy cơ bị cuốn trôi và các quốc gia cần nhiều năm nữa để khắc phục và vượt qua những tổn thất này.

Nỗi đau của người dân là trăn trở, là sự đau đáu của lãnh đạo các nước ASEAN trước nhiệm vụ khôi phục đời sống, kinh tế sau đại dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những hoạt động quan trọng của ASEAN trong suốt năm qua. Từ giữa tháng 2, Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát dịch bệnh. Giữa tháng 4/2020, phiên họp Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch đã diễn ra, khi dịch mới bùng phát diện rộng. Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã có những cam kết mạnh mẽ. Đến tháng 6 thì Hội nghị Cấp cao ASEAN-36 họp, các quốc gia thành viên ASEAN đã triển khai hành động mạnh mẽ ở cả cấp quốc gia và khu vực.

Kết quả của chuỗi hành động tích cực đó là sự ra đời của Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN. Từ tháng 6 tới nay, Quỹ được cam kết ủng hộ 10 triệu USD, sẵn sàng hỗ trợ nhu cầu chống dịch của các quốc gia.

Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh, tại Hội nghị Cấp cao 37 lần này, ASEAN sẽ tiếp tục lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp và thông qua Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN. Với hỗ trợ của Nhật Bản, ASEAN thống nhất sẽ thành lập Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh.

Thủ tướng: Biển Đông là trung tâm trong định hướng hòa bình của ASEAN - 2

Các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự lễ khai mạc hội nghị.

“Đây là những kết quả hợp tác thiết thực, có ý nghĩa nâng cao năng lực chung ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và nguy cơ dịch bệnh trong tương lai” – người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhận định.

Dịch bệnh Covid-19 đã không thể cản trở tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nhiệm vụ kép hiện nay là vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, Chủ tịch ASEAN năm 2020 cho biết, tại hội nghị lần này, các nước sẽ chính thức thông qua “Khung phục hồi tổng thể ASEAN”.

Các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. Hình thành khuôn khổ đi lại an toàn cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh Covid-19. Trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý, có thể xem xét mở lại Lối đi chung cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu.

Tinh thần tự cường 

Ở khía cạnh khác, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam phân tích nguy cơ đe dọa với hòa bình, ổn định đến từ hành xử khó đoán định của các quốc gia, từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn và các xu thế cực đoan. Trước nguy cơ đó, ASEAN phải nâng cao tinh thần tự cường, tiếp cận cân bằng và hài hòa, giữ vững vai trò trung tâm. Ông nhắc tới Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm thành lập Hiệp hội, đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập.

Theo đó, ASEAN đã thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định. Đề cao ý nghĩa của UNCLOS 1982, là khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển, ASEAN trông đợi sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC, ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc- PV) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng: Biển Đông là trung tâm trong định hướng hòa bình của ASEAN - 3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự lễ khai mạc Hội nghị.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 sẽ khép lại năm 2020, vì thế, có ý nghĩa quan trọng trong hoàn tất triển khai các ưu tiên đề ra của năm 2020 và định hướng hợp tác trong giai đoạn tới.

Trước hết là việc tập trung nguồn lực và nỗ lực để đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh Covid-19 cùng với việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Tái định hình thế giới sau đại dịch, ASEAN cần xác lập vị trí của mình.

Định hướng tiếp theo là phát triển hài hòa, bền vững và hòa bình, ổn định. Trên tinh thần đó, ASEAN sẽ thông qua các Tuyên bố quan trọng với các Đối tác dịp này, trong đó có Tuyên bố kỷ niệm 15 năm tiến trình EAS, Tuyên bố về tăng cường hợp tác ASEAN+3 trong nâng cao năng lực tự cường kinh tế tài chính trước các thách thức đang nổi lên. Các nước ASEAN cũng sẽ chính thức kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác. 

Thủ tướng: Biển Đông là trung tâm trong định hướng hòa bình của ASEAN - 4
Thủ tướng: "Đoàn kết và tự cường, ASEAN sẽ vững vàng vượt lên các thách thức".

Sau cùng, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh định hướng xây dựng bản sắc và tình đoàn kết, gắn bó của Cộng đồng ASEAN. Việc thông qua Bản tường trình về bản sắc ASEAN, theo đó, là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị.

“Đoàn kết và tự cường, ASEAN sẽ vững vàng vượt lên các thách thức, hướng tới cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho hơn 600 triệu người dân, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới” – Chủ tịch ASEAN năm 2020 tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao 37.

Phiên họp toàn thể của Hội nghị diễn ra ngay sau đó.

Theo thông lệ, Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra hai lần mỗi năm. Hội nghị Cấp cao đầu tiên của năm nay (Hội nghị 36 diễn ra hồi tháng 6) là hội nghị nội bộ của các lãnh đạo ASEAN để rà soát công tác xây dựng cộng đồng ASEAN từ hội nghị trước.

Trong khi đó, hội nghị lần thứ hai (Hội nghị Cấp cao ASEAN 37) gồm nhiều diễn đàn với các đối tác ngoài ASEAN. Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận và công bố hơn 80 văn kiện.

Các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/11.

Các hoạt động quan trọng khác bao gồm Hội nghị Cấp cao của các lãnh đạo ASEAN - New Zealand nhằm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 4, các Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc.