Thủ tướng: "ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân tự cường"
(Dân trí) - Mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân của ASEAN thực hiện 5 tiên phong, Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố đầu tiên là tiên phong về tư tưởng vì ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân tự cường.
Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024 (ASEAN BIS 2024) ở Thủ đô Vientiane (Lào), chiều 8/10.
ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN.
ASEAN tự lực tự cường là tâm điểm của tăng trưởng
Hội nghị lần này tập trung thảo luận về các chủ đề doanh nghiệp khu vực đang quan tâm như chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại, đầu tư.
Chia sẻ tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát nhiều khó khăn, thách thức ở cả khu vực và thế giới về dịch bệnh, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất. Bên cạnh đó là các thách thức về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
Dù khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN tự lực, tự cường vẫn đứng vững và là tâm điểm của tăng trưởng.
Cho rằng đây là điều đáng tự hào, Thủ tướng ghi nhận trong thành công ấy có sự đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu không có đội ngũ doanh nhân giỏi, nền kinh tế sẽ trì trệ và đất nước không thể thịnh vượng, theo lời người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Đặt vấn đề ASEAN cần làm gì trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Thủ tướng cho rằng ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường. Doanh nghiệp cần ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN thực hiện các mục tiêu đề ra.
"Mong muốn của tôi là các doanh nghiệp, doanh nhân của ASEAN thực hiện 5 tiên phong", Thủ tướng chia sẻ.
Tiên phong thứ nhất là về tư tưởng, bởi theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân tự cường. "Tôi mong các bạn tự cường, cùng Chính phủ các nước ASEAN giải quyết vấn đề khó khăn mới nổi như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu", Thủ tướng nói.
Ông cũng gợi mở doanh nghiệp phải tiên phong trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây....
Hai là tiên phong kết nối các nền kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần kết nối nền kinh tế các nước ASEAN với nhau để xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau chia sẻ các chính sách ưu tiên. Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phát triển thì đất nước mới phát triển.
Tiên phong thứ ba Thủ tướng nhắc tới là đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, hạn chế những mặt trái của khoa học công nghệ mang lại như an ninh mạng, tội phạm mạng.
Việt Nam luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy khả năng
Thứ tư, theo Thủ tướng, cần tiên phong đột phá trong hạ tầng chiến lược, xây dựng thể chế và chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh là tư tưởng được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ năm, ông nhấn mạnh tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới. Thủ tướng cho rằng các quốc gia cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng đất nước vẫn xây dựng được một chính sách kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới.
Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu; thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,82%.
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam quyết tâm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát huy sáng tạo và khả năng của mình, phát huy lợi thế cạnh tranh.
Ông cảm ơn các doanh nghiệp nước ngoài, gồm cả doanh nghiệp các nước ASEAN đã đến Việt Nam đầu tư kinh doanh với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng tận hưởng niềm vui, hạnh phúc và vinh quang.
Unitel vừa kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị
Thăm Công ty Unitel chiều 8/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự đóng góp quan trọng của Unitel trong phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội ở Lào.
Với hoạt động của Unitel tại Lào, Thủ tướng lưu ý đơn vị hợp tác tại đây không chỉ đơn thuần là công việc kinh doanh mà quan trọng hơn, là góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
"Đầu tiên, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao, phải hoàn thành để góp phần củng cố quan hệ hai nước nói chung và Bộ Quốc phòng hai nước nói riêng", Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hai bên cần cùng phát triển, cùng hưởng thụ, cùng chia sẻ niềm vui và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, trong hoạt động kinh doanh, Thủ tướng lưu ý Unitel cần hoạt động đúng luật, kinh doanh "cố gắng không lỗ".
Nhấn mạnh chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi số, Thủ tướng quán triệt Unitel cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn ở Lào.
"Phải luôn đổi mới sáng tạo, thích ứng tình hình, phản ứng kịp thời với diễn biến nhanh về tình hình chính trị, về công nghệ, giữ vững hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam và hình ảnh bộ đội cụ Hồ trên đất nước Lào", Thủ tướng quán triệt.
Sau 15 năm kinh doanh, Unitel đã là nhà mạng viễn thông lớn nhất - một trong những công ty đóng góp ngân sách lớn, tạo được uy tín với Chính phủ và nhân dân Lào.
Hàng năm, Unitel nộp ngân sách Nhà nước hơn 40 triệu USD, lũy kế tới hết tháng 9 là 613 triệu USD, đứng thứ hai tại Lào và thứ nhất trong khối viễn thông.
Hoài Thu (Từ Vientiane, Lào)