1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thứ trưởng trở lên mới được ở nhà công vụ

(Dân trí) - Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, thống nhất thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ. Cụ thể, cán bộ ở TƯ giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng trở lên chưa có nhà ở tại nơi công tác thì được thuê nhà ở công vụ.

Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định về đối tượng được thuê nhà ở công vụ quá rộng, chưa khắc phục được tình trạng bao cấp về nhà ở công vụ, đề nghị cần chỉnh sửa lại quy định theo hướng thu hẹp hơn về đối tượng để bảo đảm tính khả thi.

Tiếp thu ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ này,  UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉnh lý Điều 32 như trong dự thảo Luật. Cụ thể, nhóm đối tượng là cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ vẫn được giữ nguyên như luật hiện hành.  
 
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu (ảnh: Tiền Phong)
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu (ảnh: Tiền Phong)

Tuy nhiên, nhóm đối tượng là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được luân chuyển hoặc điều động có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ địa phương về trung ương, từ trung ương về địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác thì được áp thêm điều kiện mới được ở nhà công vụ.

Theo đó, đối tượng thuộc nhóm này nhưng phải giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên (nếu ở Trung ương) và từ cấp Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên (nếu ở địa phương) và vẫn phải đáp dứng điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác mới được thuê nhà công vụ.

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức khác nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ như đối tượng là giáo viên, bác sỹ.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Phan Trung Lý thông tin thêm, có ý kiến đề nghị cần làm rõ chủ thể quản lý nhà ở công vụ, quy định rõ mô hình tổ chức quản lý nhà ở công vụ, cũng như chế tài trong trường hợp không trả lại nhà ở công vụ.

Giải trình về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, nội dung về quản lý nhà ở công vụ, trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ, chế tài xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà ở công vụ đã được quy định tại Điều 34, Điều 81 và Điều 84 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, cơ quan giải trình cũng đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 81 quy định rõ hơn cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và chỉnh sửa lại khoản 3 để quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức năng quản lý vận hành nhà ở trong việc quản lý vận hành nhà ở công vụ là để tách bạch vai trò quản lý nhà nước về nhà ở và vai trò quản lý vận hành nhà ở công vụ.

Quốc hội cũng thống nhất quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn thực hiện việc cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ.

Về việc lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội (Điều 74), Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết vẫn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, không tán thành quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội mà nên chuyển việc huy động vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội. Loại ý kiến thứ hai, tán thành quy định về thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, đề nghị chỉ thành lập tại một số địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội.

UB Thường vụ Quốc hội quyết định trình dự luật theo hướng không quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội. Việc huy động vốn và cho vay để thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Ngân hàng sẽ lập một khoản mục riêng để quản lý nguồn vốn cho thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, đồng thời có sự tham gia của Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý việc sử dụng vốn phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng, bảo toàn vốn, đúng mục đích, đối tượng chính sách.

Việc cho vay vốn được thực hiện thông qua các chi nhánh hiện có của Ngân hàng chính sách xã hội để không làm phát sinh thêm về biên chế, tổ chức, chi phí hoạt động.

Về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đề xuất mở rộng diện đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của cơ quan soạn thảo nhận được sự ủng hộ của UB Thường vụ Quốc hội. Bác ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, mở rộng đối tượng, điều kiện là nhằm tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế.

Để bảo đảm an ninh, quốc phòng thì trong dự thảo Luật đã có các quy định chặt chẽ như: chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu… Quy định này được xây dựng trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và có tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Quốc hội đã thống nhất tán thành quy định người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là được quyền mua, sở hữu nhà.

Luật Nhà ở sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015.

P.Thảo