Thứ trưởng Bộ Y tế lo vỡ trận nếu bỏ hết giấy chuyển tuyến
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho rằng có thể bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi chuyển giữa cấp ban đầu và cấp cơ bản, còn lên cấp chuyên sâu thì không nên bỏ.
Chiều 24/10, phát biểu tại thảo luận tổ TPHCM về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, hiện các bệnh viện được phân chia thành ba cấp, dựa theo chuyên môn kỹ thuật.
Cấp ban đầu gồm các trạm y tế xã; cấp cơ bản là một số bệnh viện huyện, tỉnh; cấp chuyên sâu là bệnh viện trung ương, đa khoa, chuyên sâu và một số bệnh viện tỉnh đủ kỹ thuật.
Về đề xuất bỏ giấy chuyển tuyến trong khám chữa bệnh BHYT, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng có thể bỏ giấy này khi chuyển tuyến giữa cấp ban đầu và cấp cơ bản. Tuy nhiên khi bệnh nhân chuyển từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu thì nên có giấy chuyển viện.
"Nếu bỏ giấy chuyển tuyến giữa hai cấp bệnh viện này thì đa số bệnh nhân sẽ không khám ở trạm y tế hoặc bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nữa mà đổ dồn về bệnh viện trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy.
Như vậy, chỉ trong một hai năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở, đi ngược lại chủ trương đầu tư phát triển hệ thống y tế này, rất nguy hiểm", ông Thức nêu ý kiến.
Ông cho rằng để đảm bảo an toàn, hiện mỗi bác sĩ giỏi tại bệnh viện trung ương chỉ được thực hiện một ca mổ đặc biệt mỗi ngày. Tuy nhiên, việc bỏ giấy chuyển viện sẽ tạo ra một tình huống trái ngược khi các bác sĩ phải đối mặt với áp lực khám chữa bệnh quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sai sót.
"Trước đây một bác sĩ có thể khám cho 20 bệnh nhân mỗi ngày. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, số bệnh nhân có thể tăng lên hàng trăm người, như thế không có bác sĩ nào kham nổi, sẽ vỡ trận y tế chuyên sâu", ông Thức nhận định.
Bên cạnh đó, ông cũng cho hay bỏ giấy chuyển tuyến ngoài triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở còn làm quá tải các bệnh viện chuyên sâu, trung ương.
Theo ông, khi có giấy chuyển tuyến từ ban đầu lên chuyên sâu, bác sĩ sẽ nắm rõ tình trạng, triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán phù hợp. Giấy chuyển tuyến mang lại lợi ích cho bệnh nhân và với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc cấp giấy chuyển viện hiện rất thuận lợi.
Về chủ trương xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, ông Thức bày tỏ đồng tình với chủ trương này vì đang bất cập.
Theo ông, đơn cử như một sinh viên quê Thanh Hóa ra Hà Nội học, đăng ký khám chữa bệnh tại Hà Nội nhưng dịp hè về quê bị ốm, phải vào bệnh viện ở Thanh Hóa khám thì bị coi trái tuyến.
Phát biểu ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhìn nhận hơn 15 năm nay, từ khi có Luật BHYT, BHYT đã làm được rất nhiều việc, trong đó có tác dụng to lớn trong khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo ông, có bệnh nhân chia sẻ sau khi phát hiện bệnh, nhẩm tính chi phí điều trị thì "căn nhà 5 tầng rung rinh", nhưng nhờ có BHYT mà nhân dân nói chung, nhất là bệnh nhân nghèo mới chữa bệnh được.
Ngoài ra, ông cho biết BHYT đã cho người dân thấy được phải có BHYT thì mới yên tâm. "Trước kia việc trốn, không mua BHYT nhiều nhưng dần dần ít đi rất nhiều", ông nói.
Vị đại biểu cho hay sau 15 năm, Luật BHYT đã có rất nhiều bất cập, cần sửa đổi.
Đánh giá cao dự thảo luật được xây dựng trên 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu bày tỏ tâm đắc với chính sách điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo ông, không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế.