Thứ trưởng Bộ KHCN nói về trí tuệ nhân tạo và nỗi lo mất việc

Q.Huy

(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ KHCN nêu rõ, nước ta chưa cần tới mục tiêu cao siêu trí tuệ nhân tạo thay thế con người. Thay vào đó, trí tuệ nhân tạo cần hướng tới phục vụ nhu cầu trước mắt của chính quyền, người dân.

Ngày 27/12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM tổ chức hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công năm 2022. Hội thảo nhằm hướng tới những giải pháp đưa AI trở thành công cụ để giảm nhân lực bộ máy, giảm thời gian xử lý công việc và chi phí của người dân.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), phân tích, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cả nước mới chỉ có khoảng 1.000 chuyên gia, các nguồn lực khác còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới những mục tiêu phù hợp, không quá kỳ vọng vào những điều cao siêu.

Nỗi lo trí tuệ nhân tạo thay thế con người

Thứ trưởng Bộ KHCN thông tin, trong quá trình tham mưu và xây dựng chiến lược chương trình chuyển đổi số quốc gia trình Thủ tướng, các chuyên gia đến từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã ngồi lại để phân tích xu hướng của thế giới, thực tế của Việt Nam. Hiện tại, nền khoa học công nghệ nước ta chưa đạt ngưỡng luôn nắm giữ các thành tựu mới nhất, chưa đủ nguồn lực để xây dựng những hệ thống tính toán lớn.

Thứ trưởng Bộ KHCN nói về trí tuệ nhân tạo và nỗi lo mất việc - 1

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Q.Huy).

"Cách đây 20-30 năm, Nhật Bản đã có những hệ thống tính toán siêu lớn để dự báo thời tiết, động đất, sóng thần. Chúng ta bây giờ mới nhen nhóm thực hiện. Cơ sở dữ liệu, nguồn chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của nước ta cũng còn rất khiêm tốn", ông Bùi Thế Duy phân tích.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Bộ KHCN nhấn mạnh, việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước không đặt kỳ vọng phải dẫn đầu. Thay vào đó, lĩnh vực này cần hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề trước mắt của chính quyền, người dân.

Cụ thể, các nhóm vấn đề chính mà trí tuệ nhân tạo cần hướng tới là các nhóm ứng dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi nhất, giải quyết nhu cầu hàng ngày về học tập, giải trí, đời sống. Trí tuệ nhân tạo cần giúp chính quyền thực hiện công tác quản lý trong hành chính, đô thị, tài nguyên môi trường.

Thứ trưởng Bộ KHCN nói về trí tuệ nhân tạo và nỗi lo mất việc - 2

Sự kiện có sự tham dự của ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Ngoài ra, công nghệ AI cần giúp Chính phủ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Một trong những ví dụ rõ nét trong phần việc này là hệ thống camera giám sát giao thông, giám sát an ninh đã được triển khai.

"Chúng ta chưa cần tới mục tiêu là AI thay thế nhân công lao động. Chúng ta cũng không đặt kỳ vọng quá cao siêu là AI thay thế con người, để dẫn đến lo lắng là mất việc", Thứ trưởng Bộ KHCN nhấn mạnh.

Ông Bùi Thế Duy làm rõ thêm, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trên thế giới hiện nay được chia làm 2 nhóm là rộng và hẹp. AI rộng là hướng tới phát triển các hệ thống tự động suy nghĩ, đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, AI tại Việt Nam chưa tới giai đoạn cần quan tâm vấn đề này mà chỉ cần giải quyết các vấn đề mấu chốt là các loại việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, thường xuyên.

Ngại chia sẻ dữ liệu

"Trước đây, khi bộ KHCN đề nghị các bộ, ngành, địa phương gửi dữ liệu để hình thành kho dùng chung. Nhiều nơi ngại gửi, sau một hồi ép thì cũng gửi", Thứ trưởng Bộ KHCN nêu thực tế.

Trong những năm đầu thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, việc hình thành các dữ liệu chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Ông Bùi Thế Duy cho biết, sau thời gian triển khai, các vấn đề, khó khăn của dữ liệu đã được nhận diện.

Thứ trưởng Bộ KHCN nói về trí tuệ nhân tạo và nỗi lo mất việc - 3

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Q.Huy).

"Hóa ra dữ liệu không dùng được cho AI, không phải cứ dữ liệu là dùng được. AI không phải tự nó thông minh mà phải tổng hợp các dữ liệu hàng ngày, được ghi chép đầy đủ, không phải các loại dữ liệu hỗn độn, bóc mãi không ra", vị lãnh đạo bộ nhận định.

Ông Bùi Thế Duy nêu thực tế, nhiều cơ quan không chia sẻ dữ liệu do từ trước đến nay chưa có thói quen, chưa có hệ thống làm dữ liệu bài bản. Các loại dữ liệu còn cát cứ, chưa thống nhất có một phần nguyên nhân do các bên ngại, dù có chia sẻ thì dữ liệu cũng không dùng được.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ KHCN cũng đặt kỳ vọng, TPHCM sẽ đi đầu trong việc tháo gỡ các vướng mắc về quy định trong chia sẻ dữ liệu. Ông nêu rõ, việc phát triển trí tuệ nhân tạo đừng đặt kỳ vọng quá vào các loại dữ liệu miễn phí.

Thứ trưởng Bộ KHCN nói về trí tuệ nhân tạo và nỗi lo mất việc - 4

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chia sẻ về những mục tiêu trong phát triển trí tuệ nhân tạo của địa phương (Ảnh: Q.Huy).

Về nguồn lực để phát triển trí tuệ nhân tạo tại TPHCM và cả nước, ông Bùi Thế Duy nhìn nhận, nước ta có đội ngũ nhân lực trẻ, chịu khó học hỏi, được đào tạo theo định hướng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và rất có tiềm năng trở thành đội ngũ làm AI trên diện rộng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có rất nhiều bài toán, vấn đề cần giải quyết để kêu gọi quốc tế cùng chung tay. Vấn đề như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường, quản lý tài nguyên có thể sẽ là bài toán của nhiều nước trên thế giới trong tương lai.