"Thủ phủ" tôm cần tìm kiếm thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thương hiệu
(Dân trí) - (Dân trí) -Nhấn mạnh giá trị con tôm mang lại ngoại tệ nhiều hơn lúa gạo, Chủ tịch Bạc Liêu cho rằng thời gian tới cần phải tiếp tục tìm kiếm thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thương hiệu.
Ngày 20/10, tại hội nghị xuất khẩu tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều bày tỏ trăn trở trước thực trạng con tôm của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong khi tỉnh này đang xây dựng trở thành thủ phủ tôm cả nước.
Xuất khẩu tôm chưa được 1 tỷ USD
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Bé Sáu, đại diện Công ty Việt Úc, cho biết Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu tôm, nhưng thế giới chưa biết tới tôm Việt Nam nhiều. Trong khi đó, Bạc Liêu là một trong những tỉnh xuất khẩu tôm nhiều nhất cả nước.
"Làm sao đi ra nước ngoài người ta biết đến con tôm Việt Nam chất lượng cao, mà biết con tôm Việt Nam thì biết đến Bạc Liêu", ông Sáu chia sẻ mục tiêu với tỉnh và cho rằng việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, thời gian qua ngành tôm gặp không ít khó khăn do tác động của thị trường, tình hình thời tiết,… "Doanh nghiệp xuất khẩu tôm không có lợi nhuận. Người nuôi tôm bỏ công sức ra nuôi không lời thì họ bỏ ao, treo ao thôi", ông Thiều nêu thực trạng.
Ông Thiều trăn trở, Bạc Liêu chưa có thương hiệu về tôm nhiều. Tỉnh này xuất khẩu tôm còn thua Sóc Trăng, Cà Mau, khi kim ngạch chưa đạt tới 1 tỷ USD.
Nhấn mạnh giá trị con tôm mang lại ngoại tệ cho Bạc Liêu nhiều hơn lúa gạo, Chủ tịch Bạc Liêu cho rằng thời gian tới cần phải tiếp tục tìm kiếm thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thương hiệu. Ông đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp, người dân chú trọng chất lượng, an toàn thực phẩm vì yêu cầu của thị trường ngày càng cao.
"Xây dựng con tôm Bạc Liêu sạch, có vùng nuôi, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đưa ra thị trường thế giới thì con tôm Bạc Liêu mới bay xa, trở thành thủ phủ tôm được", ông Thiều nhấn mạnh.
Tìm giải pháp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2022, tỉnh này đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 853 triệu USD, trong đó tôm đông lạnh khoảng 830 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Đông, Trung Quốc,...
Sở này cho rằng, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa tự tin mở rộng thêm thị trường mới từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Do đa số các doanh nghiệp chủ yếu vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, kiến thức về thị trường thế giới và luật pháp quốc tế chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật,...
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó giám đốc Công ty Nha Trang Seafood F89, cho rằng nguồn nguyên liệu có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đảm bảo có được nguồn cung đầu vào đáp ứng được cả về khối lượng lẫn chất lượng.
"Các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các trại nuôi trồng thủy sản; giúp đỡ người nuôi về chọn giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh, kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau khi thu hoạch", ông Tính chia sẻ và cho rằng việc hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân, hợp tác xã cần phải ưu tiên thực hiện trước nhất.
Theo ông Tính, hiện nay xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU chỉ có số ít doanh nghiệp lớn, còn lại đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu tách ra hoạt động riêng lẻ thì khó có thể cạnh tranh được. Do đó, cần tăng cường hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở rộng thị trường.
Trong xây dựng thương hiệu, theo ông Tính, sản phẩm nào đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng mới được gắn logo và hình ảnh thương hiệu hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao. Các sản phẩm không duy trì được chất lượng sẽ bị loại khỏi danh sách.