1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu: Những viên đá mang màu máu

(Dân trí) - Mặt hồ tĩnh lặng, xanh ngắt soi bóng một phần núi đá đồi Tỷ từng là hố chôn tập thể hơn 70 nhân mạng vào cái ngày đau thương mùa hè năm 1991. Trưởng Công an xã Châu Bình - ông Lang Thanh Hoài quả quyết hiện còn 5 người nằm lại dưới đáy hồ… Vùng đất bạc tỉ nhuộm đỏ máu của những phu đá quý.

Trở lại thủ phủđá đỏ Quỳ Châu

Tháng 7/1991, tôi mới được 6 tuổi. Một buổi chiều, khi mảng trời phía Tây đã chuyển sang màu vàng quạch, cả làng tôi xôn xao khi thi thể chú Thảo được đưa về bãi đất trống đầu làng. Người ta nói chú đi đào đá đỏ ở mạn Quỳ Châu, bị sốt rét ác tính. Vượt qua gần 150km, chú được đưa từ vùng đá đỏ về bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Lúc đó, tôi chưa mường tượng được sự khủng khiếp ở bãi đá đỏ Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An), nơi cách quê tôi hơn 100 cây số. Thời điểm mà cả nghìn người đánh cược tính mạng của mình đi tìm vận may, như ông Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lương Văn Đại nói “cứ chui vào hầm đào đá đỏ, may thì đổi đời, rủi thì đổi mạng”.

Đường vào đồi Tỷ, nơi hàng nghìn người dân tứ xứ tràn đến để tìm vận may đổi đời từ những viên đá lóng lánh trong lòng đất.
Đường vào đồi Tỷ, nơi hàng nghìn người dân tứ xứ tràn đến để tìm vận may đổi đời từ những viên đá lóng lánh trong lòng đất.

Có bao nhiêu người bỏ mạng ở xứ đá quý này? Chưa có một con số thống kê cụ thể bởi thời điểm đó, vì đá đỏ, người ta chấp nhận đổi cả mạng mình. Sập hầm, chết! Tranh giành lãnh địa, chết! Cướp bóc, thanh trừng lẫn nhau, chết! Những cái xác được gói tạm trong những manh chiếu rách, vội vã mang đi ngay trong đêm để về quê chôn cất, chẳng ai báo với chính quyền địa phương nên cũng chả thống kê được hết.

Ở đó, người ta xem cái chết đã quá bình thường, cho đến vụ sập hầm một ngày tháng 6/1991. Ông Lang Thanh Hoài nhớ lại: “Lúc đó cả trăm người đang vây quanh một miệng hầm ở đồi Tỷ để chờ người ta đóng bì đất chuyển lên mang đi đãi, cũng có số tò mò mà đến. Bỗng nghe một tiếng “uỳnh”, rồi tiếng người la hét thất thanh “Sập hầm rồi!”. Một vùng đất lõm xuống, cuốn theo hàng chục người đứng trên miệng hầm.

Hồi đó làm gì đã có máy móc như bây giờ, hầm lại đào theo kiểu miệng ếch nên công tác cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn. Sau 10 ngày đào bới, 70 thi thể được tìm thấy. Người chết được đưa ra tập kết một dọc dài hai bên Quốc lộ 48, đắp vội chiếc chiếu chờ người nhà đến nhận. 5 người đến giờ vẫn chưa tìm được”.

Một phần hồ nước xanh ngắt này là miệng hầm đào đá đỏ bị sập vào tháng 6/1991, chôn vùi 75 người dân tìm vận may ở đồi Tỷ.
Một phần hồ nước xanh ngắt này là miệng hầm đào đá đỏ bị sập vào tháng 6/1991, chôn vùi 75 người dân tìm vận may ở đồi Tỷ.

Sau cái vụ sập hầm khủng khiếp ấy, Công an tỉnh Nghệ An tăng cường 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát cơ động, có mặt cùng Công an huyện để lập lại an ninh trật tự ở địa bàn. Để tránh tình trạng khai thác thổ phỉ, khu vực này cũng được giao cho một xí nghiệp nhà nước khai thác và quản lý.

Tuy nhiên, tình trạng tranh giành lãnh địa vẫn chưa kết thúc khi những đồn đại về mỏ đá quý này vẫn chưa hạ nhiệt. Năm 2000, một vỉa đá màu lộ thiên ở khu vực hòn Mồ Côi (nằm trong đồi Tỷ). Lúc bấy giờ, mặc dù khu vực này đã được giao cho Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An (nay thuộc Công ty CP đá quý và vàng Hà Nội) quản lý nhưng người dân vẫn ào vào “hôi” đá đỏ, có lúc lên đến gần 3.000 người. Những cuộc ẩu đả, đâm chém, tranh giành lãnh địa đá quý lại nổ ra giữa các băng nhóm xã hội.

Ông Lang Thanh Hoài – Trưởng Công an xã Châu Bình nhớ lại: “Từ cổng xí nghiệp vào đến khu vực hòn Mồ Côi – nơi phát lộ vỉa đá đỏ bọn chúng cắt cử người gác, cứ tầm 1 m có một người cầm mác, cầm dao đứng canh, không cho người ngoài vào, ai bén mảng tới nhẹ thì bị đe dọa, không thì bị chúng “xin tí huyết”. Lúc đó, tôi là công an xã, nói mãi chúng mới cho vào “kiểm tra tình hình an ninh trật tự”, đúng 15 phút sau tôi bị đuổi ra”.

Hòn Mồ Côi, nơi Xí nghiệp khoáng sản đá quý Nghệ An tìm thấy 18kg đá màu. Đây cũng là nơi phát lộ vỉa đá màu dẫn tới việc hàng nghìn người dân và cả giang hồ tứ chiêng vác dao ngăn cơ quan chức năng và người của Xí nghiệp được giao trách nhiệm quản lý vào khai thác.
Hòn Mồ Côi, nơi Xí nghiệp khoáng sản đá quý Nghệ An tìm thấy 18kg đá màu. Đây cũng là nơi phát lộ vỉa đá màu dẫn tới việc hàng nghìn người dân và cả giang hồ tứ chiêng vác dao ngăn cơ quan chức năng và người của Xí nghiệp được giao trách nhiệm quản lý vào khai thác.

Ông Lê Hữu Khẩn – nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An cũng bị “cấm cửa” vào khu vực phát lộ đá quý dù nó nằm trong phạm vị quản lý của xí nghiệp. “Tôi là kỹ sư mỏ - địa chất, trực tiếp thăm dò trữ lượng đá màu ở đây nhưng đâu có được bén mảng vào. Cạy cục, xin xỏ mãi chúng mới “áp tải” vào ngó một chút là bị “đẩy” ra”, ông Khẩn nhớ lại.

Sau khi Công an huyện Quỳ Châu, Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc quyết liệt, việc cát cứ của các đối tượng cộm cán mới được dẹp bỏ. Trên khu vực đồi Tỷ này, có thời điểm xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An thu được 18 kg đá màu, chuyển ra Hà Nội giám định loại đá, tuổi đá. Bản thân ông Khẩn cũng không biết hàng xô đá màu mà ông và các cộng sự khai thác được có giá trị bao nhiêu.

Tháng 6/2013, hoạt động khai thác đá màu tại đây chính thức bị ngừng do hết giấy phép. 6 năm nay, đơn vị này vẫn đang làm giấy phép xin gia hạn khai thác nhưng vẫn chưa được. Hiện, chỉ còn 9 công nhân thay nhau canh giữ ở đây. Hoạt động khai thác chấm dứt, những dãy nhà làm việc của Ban giám đốc, nhà ở của công nhân trở nên đổ nát.

Ông Lang Thanh Hoài - Trưởng Công an xã Châu Bình vẫn chưa hết ám ảnh về vụ sập hầm khai thác đá đỏ khiến 75 người thiệt mạng ở đồi Tỷ giữa năm 1991.
Ông Lang Thanh Hoài - Trưởng Công an xã Châu Bình vẫn chưa hết ám ảnh về vụ sập hầm khai thác đá đỏ khiến 75 người thiệt mạng ở đồi Tỷ giữa năm 1991.

Thảng hoặc người dân đi rừng vẫn nhặt được những viên hồng ngọc, bán trao tay gần cả tỷ đồng hoặc những viên đá màu bé xíu giá vài triệu đồng nhưng hoạt động khai thác đá đỏ không còn sôi động nữa. Những đồi Tỷ, đồi Triệu dần vắng bóng người tìm vận may, trở nên lạnh lẽo, cô tịch. Những cánh rừng tràm, rừng bạch đàn, rừng keo dần phủ xanh những mảng đất lở lói, đỏ quạch vì giấc mơ đá đỏ.

Dưới chân đồi Tỷ, hố đào đá đỏ năm xưa chỉ còn là cái hồ xanh ngắt, tĩnh lặng, sâu vài chục mét. Người dân quả quyết, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng kêu như than, như oán của những người bỏ mạng, chưa tìm thấy xác dưới hầm đá đỏ. Tôi lắng tai nghe, chẳng thấy gì ngoài tiếng gió thổi vi vu len qua những rừng cây rậm rạp, đập vào vách đá Mồ Côi, những lèn đá đồi Tỷ, đồi Triệu. Tiếng vi vu giữa nắng trưa hoe hoắt cũng đủ rợn cả người...

Hoàng Lam

(Còn nữa)