1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thu phí đường bộ không dừng: Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm?

(Dân trí) - Bộ Giao thông Vận tải đang thí điểm công nghệ thu phí đường bộ tự động không dừng tại 3 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Sắp tới hình thức thu phí này sẽ được áp dụng trên toàn quốc, hứa hẹn mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân.

Cần sự thay đổi tích cực hơn!

Việc thu phí tự động không dừng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, tại Việt Nam, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đã có hàng chục dự án BOT đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, việc tiếp tục duy trì và xây dựng mới các trạm thu phí bằng tay được đánh giá là không đáp ứng được nhu cầu phát triển mới, thay vào đó cần áp dụng đồng bộ hệ thống thu phí tự động không dừng.

Trạm thu phí cố định trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Trạm thu phí cố định trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Theo tính toán của các chuyên gia, ước tính mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Trong khi đó, trong 3 đến 4 năm tới, cả nước sẽ có gần 100 trạm thu phí đi vào hoạt động, khiến cho tổng chi phí thời gian và nhiên liệu là rất lớn.

Bên cạnh đó, việc thu phí tự động không dừng còn mang lại nhiều lợi ích không thể tính được bằng tiền như tăng tính minh bạch của hoạt động thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, giảm hao mòn phương tiện giao thông, giảm thanh toán bằng tiền mặt, cung cấp thông tin cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước…

Với các lý do trên, Bộ Giao thông vận tải tiến hành chuyển các trạm thu phí từ hình thức thu phí bằng tay sang hình thức thu phí tự động không dừng và chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng trong thời gian gần đây.

Sau khi tổ chức nghiên cứu, tham tham khảo, so sánh với nhiều công nghệ khác nhau, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất lựa chọn công nghệ thu phí ETC của Mỹ - công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID). Đây được xem là công nghệ hiện đại nhất thế giới và đang được thực hiện rất thành công ở nhiều nước trên thế giới.

Công nghệ mới: Tiện ích và lợi ích

Để hiện thực hóa kế hoạch thu phí không dừng trên toàn quốc, trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài nhằm lựa chọn mô hình phù hợp, điều chỉnh để áp dụng vào điều kiện Việt Nam.

Hiện có ba mô hình thu phí tự động không dừng trên thế giới, trong đó mô hình ưu việt nhất là thiết bị đầu cuối được lắp đặt chung cho tất cả các phương tiện trên cả nước. Việc điều hành, quản lý tài khoản và thu phí sẽ được tiến hành chung thông qua một hệ thống điều hành và cơ sở dữ liệu trung tâm. ETC là mô hình phù hợp với điều kiện và xu hướng phát triển trong thời gian tới của các trạm thu phí tại Việt Nam, bởi việc áp dụng một hệ thống điều hành và xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm toàn quốc rất thuận tiện cho công tác vận hành, quản lý lâu dài.

Hệ thống thu phí không dừng được áp dụng từ lâu và rất thành công trên thế giới

Hệ thống thu phí không dừng được áp dụng từ lâu và rất thành công trên thế giới

Bộ GTVT đang thực hiện thí điểm tại 3 trạm thu phí là trạm Hoàng Mai - Nghệ An, trạm Km604+700 Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình và trạm Km1813+650 đường Hồ Chí Minh, để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Trên thực tế, điều mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy được từ công nghệ thu phí không dừng là gì và liệu khoản phí phải đóng có bị tăng thêm khi chuyển từ hình thức thu bằng tay sang tự động?

Theo Bộ Giao thông Vận tải, một nguyên tắc được áp dụng trong quá trình chuyển đổi là phải bảo đảm không làm tăng mức phí sử dụng đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông.

“Chủ phương tiện sẽ được phát sử dụng miễn phí thiết bị đầu cuối và việc gắn thiết bị đầu cuối sẽ được tiến hành khi đăng kiểm phương tiện hoặc khi chủ phương tiện có nhu cầu. Ngay khi gắn thiết bị lần đầu, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến hành mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện.

Để việc thu phí tự động không dừng được xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn, Bộ cũng sẽ xây dựng một Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm thu phí tự động không dừng áp dụng cho tất cả các dự án đang và sẽ triển khai” - lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Theo tính toán, áp dụng công nghệ thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng/năm… Đây thực sự là những con số rất ý nghĩa trong bối cảnh hạ tầng giao thông và số lượng phương tiện các loại đang tăng nhanh hiện nay.

C.N.Q