1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thu phí bảo trì đường bộ: “Sự công bằng chỉ là tương đối!”

(Dân trí) - “Các phương tiện kinh doanh sẽ hoạt động hết công suất và sử dụng đường nhiều, còn phương tiện phục vụ gia đình thì sử dụng ít hơn, nhưng cũng phải chấp nhận cùng một mức phí vì sự nghiệp bảo trì đường bộ và sự công bằng chỉ là tương đối”.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam trao đổi với báo chí về Đề án Qũy bảo trì đường bộ và chủ trương thu phí trong thời gian tới.

Xe đi ít cũng phải nộp phí đi nhiều

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và sự thống nhất của các Bộ ngành liên quan, Nghị định Qũy bảo trì đường bộ quy định về việc lập, quản lý và sử dụng Qũy bảo trì đường bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Trong đó, quy định phí bảo trì đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới là ô tô và xe máy sẽ bắt đầu được thực thi từ ngày 1/6 tới đây.
 
Thu phí bảo trì đường bộ: “Sự công bằng chỉ là tương đối!”

Xe đi ít hay nhiều cũng phải chấp nhận nộp phí vì sự nghiệp bảo trì đường bộ

Đề án Qũy bảo trì đường bộ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người sử dụng phương tiện. Một thông tin có thể nói là khá chắc chắn rằng Đề án đã có sự sửa đổi về phương án thu và mức thu đã thống nhất trước đây cho phù hợp hơn, nhưng khi chỉ còn hơn 2 tháng nước chủ ô tô và xe máy sẽ phải nộp phí cho việc bảo trì đường bộ thì thông tin mức thu, cách thức thu như thế nào lại chưa được công bố.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay Chính phủ mới ký ban hành Nghị định, Bộ GTVT cũng chưa tổ chức họp để có ý kiến chỉ đạo những nội dung cụ thể. Những công việc cần thực hiện là xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ GTVT với Bộ Tài chính, hình thành cơ quan quản lý Quỹ, và việc triển khai trong toàn quốc. Thời gian cụ thể lúc nào thu, hình thức thu, mức thu… sẽ có những bước tiếp theo.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện Thông tư liên tịch hai Bộ để hoàn thành mức thu phí đối với phương tiện cho Quỹ bảo trì đường bộ với với phương tiện. Trong Đề án cũng đã nêu rõ, với ô tô sẽ thu qua các lần kiểm định định kỳ (đăng kiểm - PV), còn với mô tô, xe máy giao cho chính quyền địa phương tổ chức thu để phục vụ trực tiếp quản lý bảo trì đường địa phương”, ông Quyền cho hay.

Với phương án được lựa chọn là thu phí qua đầu phương tiện theo Nghị định đã ban hành, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ là không công bằng khi xe đi ít vẫn phải đóng nhiều, mà xe đi nhiều như taxi, xe khách lại cũng đóng cùng một mức như xe gia đình… Tuy nhiên ông Quyền lập luận: “Phương thức nào cũng có những tồn tại nhất định của nó và đúng là thu theo đầu phương tiện thì không phản ánh đúng việc người sử dụng phương tiện nhiều. Theo quản lý ngành chúng tôi biết các phương tiện kinh doanh sẽ hoạt động hết công suất và sử dụng đường nhiều, còn phương tiện phục vụ gia đình thì sử dụng ít hơn, nhưng cũng phải chấp nhận điều đó vì sự nghiệp bảo trì đường bộ, sự công bằng chỉ là đối, có sân siu giữa người này, người kia và đóng góp chung cho sự nghiệp bảo trì đường bộ”.
 
Thu phí bảo trì đường bộ: “Sự công bằng chỉ là tương đối!”
"Quỹ bảo trì sẽ thực hiện công khai, minh bạch và được người dân giám sát"

Trên thực tế, Quỹ bảo trì đường bộ được Chính phủ cho phép thành lập đúng lúc một số loại phí khác đang, đã, và sắp được thu, hoặc đang được đề xuất như: phí môi trường, phí lưu hành phương tiện cá nhân, phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm… Nhiều ý kiến đã lo ngại về tình trạng “phí chồng phí” khi một ô tô có thể sẽ phải đóng tới 60 - 70 triệu tiền đồng phí các loại/năm.

“Các lĩnh vực khác, mỗi một dịch vụ đưa ra đều có loại phí. Hiện nay, tôi được biết phí bảo trì đường bộ là phí chuyên cho sử dụng dịch vụ đường bộ Chính phủ mới ban hành. Còn các các phí khác thì thuộc lĩnh vực khác tôi chưa có nghiên cứu sâu về những loại phí đó” - ông Quyền cho hay.

Qũy bảo trì sẽ công khai, minh bạch?

Thu phí qua đầu phương tiện đối với xe máy được cho là sẽ rất rắc rối khi không kiểm soát được lượng xe di chuyển từ tỉnh này đi tỉnh khác, đăng ký một nơi nhưng lại sử dụng một nơi, nhưng Vị Tổng Cục phó này nêu quan điểm: “Về cơ bản với mô tô, xe máy người dân chủ yếu đi trong địa bàn địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể có đi sang các tỉnh lân cận, nhưng chúng ta cũng phải xác định xe tỉnh này đi sang tỉnh kia thì xe tỉnh khác cũng có một phần sang tỉnh này. Thứ nữa, cái gì cũng chỉ mang tính tương đối, nếu chi li quá cũng không quản lý được. Bộ GTVT đã nghiên cứu nhiều, nhưng chưa tìm được phương án nào tối ưu hơn. Việc thu phí để xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương cũng là trách nhiệm của chính quyền các cấp”.

Cũng theo ông Quyền, hiện Đề án về đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong phạm vi cả nước đang được xây dựng theo hướng sẽ tổ chức việc đặt hàng, đấu thầu công khai về công tác này đối với các doanh nghiệp, kể cả tư nhân và cổ phần. Qũy bảo trì sẽ được thực hiện công khai, minh bạch việc kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán, sẽ thực hiện cơ chế thị trường có sự giám sát và quản lý của xã hội, người dân một cách minh bạch.

Về các trạm thu phí trên các quốc lộ đang thực hiện thì Nghị định Chính phủ ban hành đã đưa ra lộ trình để xem xét. Theo đó, các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ có lộ trình để giải tán, riêng các trạm thu phí công trình BOT vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Bộ GTVT được giao trách nhiệm chỉ đạo để thực hiện những nội dung này.

Quỳnh Anh