“Thủ phạm” vụ dầu loang có thể là các mỏ khai thác
Đó là câu trả lời của Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, thiếu tướng Nguyễn Sơn Hà, về nguyên nhân gây ra vụ loang dầu “bí ẩn” dọc bờ biển miền Trung và miền Nam suốt thời gian qua.
Việc dầu loang ở khu vực biển miền Trung và miền Nam có phải liên quan đến mỏ dầu từ Trung Quốc, thưa ông?
Các cơ quan hữu quan hiện vẫn đang tích cực tiến hành xác minh, đồng thời cũng phối hợp với nước bạn để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, tạm thời có thể khẳng định dầu loang tại biển miền Trung và miền Nam có xuất xứ khác nhau.
Vietsovpetro đã khẳng định, hiện tượng dầu loang không bắt nguồn từ doanh nghiệp này. Đã có thông tin cho rằng, dầu loang xuất phát từ mỏ khai thác bên Trung Quốc bị ảnh hưởng do cơn bão Chanchu (năm 2006), do dòng hải lưu và gió mùa đã lan đến biển miền Trung, điều này cũng có thể xảy ra. Đối với khu vực biển phía Nam, nguồn dầu loang cũng có thể xuất phát từ các mỏ dầu ở Philippines do theo dòng hải lưu lan đến.
Về khả năng thau rửa tàu chở dầu gây ra dầu loang, theo tôi là không có cơ sở vì số lượng dầu thu gom được đã 1.500 tấn thì lượng dầu phát tán ra có thể là hàng vạn tấn, điều này cho thấy xác suất rơi vào sự cố từ các mỏ khai thác nhiều hơn.
Viện Vật lý và Điện tử cung cấp ảnh vệ tinh chụp vệt dầu loang trên biển có thể đưa ra được kết luận về nguyên nhân gây dầu loang, thưa ông?
Ảnh viễn thám cũng chỉ là một cơ sở để tiến hành xác minh nguyên nhân. Hiện tại những bức ảnh thu thập được trong thời gian gần đây có chất lượng không cao.
Cục Bảo vệ môi trường cho rằng, năng lực của cơ quan chức năng rất hạn chế trong việc xử lý vấn đề dầu loang, xin ông nói rõ về việc này?
Đúng là chúng ta vẫn khó khăn trong vấn đề đầu tư trang thiết bị, công nghệ, năng lực với sự cố dầu tràn. Như việc, chỉ có Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung và Công ty Sông Xanh có công nghệ đốt dầu loang đủ tiêu chuẩn môi trường. Hay, hiện đang rất thiếu tàu chuyên dụng thu gom dầu, phao phong tỏa, máy bay tầm thấp, chất phân tán và ngay cả kinh phí khống chế, thu gom dầu loang cũng còn hạn chế...
Vậy là chúng ta vẫn phải chờ đợi dầu loang đến và tìm cách ngăn chặn?
Việc này đúng là không hề đơn giản, ngay cả các nước phát triển như Nhật Bản cũng phải mất nhiều thời gian để xác định rõ nguyên nhân của một sự cố dầu tràn. Ngay cả việc thu gom, ở Nhật Bản cũng chủ yếu do người dân trực tiếp tham gia khi dầu trôi dạt vào đất liền.
Hiện nay, đã huy động lực lượng khoa học, kết hợp với hợp tác quốc tế và theo dõi sát sự di chuyển của dầu loang để sớm tìm ra nguyên nhân. Bên cạnh đó, cũng đang đề nghị Trung tâm An toàn môi trường dầu khí tính toán (dựa trên kết quả phát hiện của ngư dân về dầu loang) để xác định các vệt dầu loang trên biển Đông có ảnh hưởng đến VN hay không và mức độ nào. Đồng thời, cũng yêu cầu các nhà khoa học bằng các phương pháp, mô hình khác nhau (căn cứ vào chiều sóng, gió, nhiệt độ của biển, chủng loại dầu...) để tính toán tác động lan truyền của dầu loang...
Miền Trung đã thu gom gần 1.500 tấn dầu loang
Theo thống kê ban đầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, 8 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã thu gom được gần 1.500 tấn dầu loang đã vón cục hoặc bị phong hóa do nước biển. Hiện đã tiến hành xử lý tiêu hủy gần 1.100 tấn, số còn lại đang tiếp tục vận chuyển về nơi tiêu hủy.
Tỉnh bị nặng nhất là Quảng Nam (746 tấn), tiếp đến là Thừa Thiên - Huế (386 tấn), Hà Tĩnh (150 tấn), Quảng Ngãi (95 tấn), Quảng Bình (50 tấn), Phú Yên (40 tấn), Quảng Trị (9,5 tấn), Đà Nẵng (5 tấn).
Hiện tại, ở khu vực biển miền Nam (Tiền Giang, Vũng Tàu, Bến Tre, TPHCM...) ước tính số dầu thu gom cũng hàng chục tấn. |
Theo Thế Dũng
Người Lao Động