1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Thu nhập của người có chức vụ: “chân ngoài dài hơn chân trong”

Mức phụ cấp của những người có chức có quyền có thể chỉ là những bữa ăn trưa, một gói quà nhỏ nhưng có khi là cả một lô đất hoặc những chuyến công du nước ngoài vô cùng tốn kém...

Trong chương trình hành động của chính phủ thực hiện Luật phòng chống tham nhũng hồi đầu năm, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước VN soạn thảo đề án về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đến nay đã quá hạn hai tháng mà đề án vẫn chưa được xây dựng xong.

 

Theo một thành viên tham gia xây dựng đề án, muốn kiểm soát được thu nhập thì đầu tiên nhà nước phải quản được cán bộ của mình có bao nhiêu nguồn thu ngoài lương. Nhưng chuyện này thật không dễ chút nào.

 

Muôn hình vạn trạng phụ cấp

 

Cuộc nghiên cứu do Học viện hành chính quốc gia cùng Viện nghiên cứu quản lí trung ương thực hiện. Kết quả công bố mới đây cho thấy cán bộ, công chức được hưởng khá nhiều thu nhập thêm nằm ngoài đồng lương “ba cọc ba đồng”. Chỉ riêng phụ cấp đã có tới tám loại từ phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chức vụ lãnh đạo đến phần đãi ngộ thêm cho thâm niên, đãi ngộ thu hút… Trong đó, phụ cấp lãnh đạo chia thành 21 bậc từ 0,1 đến 1,3 lần lương tối thiểu cho gần 200 chức vụ khác nhau, hưởng thấp nhất là phó văn phòng UBND huyện, cao nhất là bộ trưởng bộ Quốc phòng.

 

Trong cơ cấu thu nhập của cán bộ, công chức, chỉ có lương, phụ cấp và tiền thưởng được tính theo bảng lương, có thể quản lí được. Còn các nguồn thu nhập thêm khác thì muôn hình vạn trạng, không thể nào kiểm soát hết.

 

Nhiều cơ quan, đơn vị có thu từ làm dịch vụ, phí quản lí hợp đồng, cho thuê mặt bằng, phương tiện mà mình đang quản lí. Với các cơ quan hành chính, khoản tiền này thường được sử dụng cho hai việc: chi cho anh em hàng tháng dưới dạng bữa ăn trưa; thưởng trong các kì nghỉ lớn như Tết dương lịch, Tết nguyên đán, Quốc khánh, các dịp thành lập ngành. Ở nhiều cơ quan hành chính, tổng khoản chia tập thể này có thể từ sáu đến 12 tháng lương mỗi năm.

 

Ngoài khoản thu nhập thêm mang tính chất tập thể, những cán bộ có chức, có quyền tuỳ thuộc vào chức vụ, phạm vi quản lí còn kiếm “bộn” từ đơn vị, cá nhân dưới quyền ở dạng quà tặng. Khoản này có thể dưới dạng phong bì trong các dịp lễ tết mỗi khi người có chức tới thăm, làm việc với đơn vị dưới quyền.

 

Đặc biệt, với mục đích cảm ơn do đã giúp đỡ, hỗ trợ, tạo dựng quan hệ cho tương lai…, quà tặng còn có thể là khoảnh đất, tiền gửi ngân hàng, suất du lịch, kiểm tra sức khoẻ hay chữa bệnh miễn phí ở nước ngoài. Đôi lúc cán bộ có chức quyền còn thu được “bổng lộc” dưới dạng người nhà được tiếp nhận vào chức vụ, công việc với mức lương hậu hĩnh.

 

Kiểm soát thu nhập: cần có lộ trình

 

“Tính phức tạp về nguồn gốc, đa dạng về hình thức, lẫn lộn trắng đen về mục đích khiến người ta ngại nói tới thu nhập thêm” - một chuyên gia pháp lí từng tham gia xây dựng Luật phòng chống tham nhũng bình luận. Vì vậy, nhiều khả năng Chính phủ sẽ ban hành trước các qui định mang tính phòng ngừa tham nhũng mở rộng thí điểm và tiến tới thực hiện cơ chế trả lương, các khoản thu nhập khác của cán bộ, công chức qua tài khoản; ban hành nghị định minh bạch tài sản, trong đó tập trung và nghĩa vụ, thủ tục kê khai tài sản… Chỉ khi các vấn đề về tài sản, thu nhập được công khai, có cơ chế kiểm tra thì mới có thể nghĩ xa hơn tới đề án kiểm soát thu nhập.

 

Nhưng ngay cả khi Chính phủ có được đề án rồi thì việc kiểm soát thu nhập vẫn còn phải chờ luật. Bởi điều 53 Luật phòng chống tham nhũng qui định: “Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản qui phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn”. Tuy nhiên được biết trong chươg trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 lại không thấy đề cập gì đến yêu cầu chuẩn bị dự án luật kiểm soát thu nhập cả.

 

Theo Pháp luật TPHCM