1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng cũng được vay tiền mua nhà?

(Dân trí) - Giúp người thu nhập thấp có nhà ở bằng cách cho vay tiền để tự mua nhà là cách làm đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Số tiền này được vay dài hạn tới 20 năm.

Xung quanh vấn đề này, báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện cùng bà Vũ Phương Liên - Trưởng Ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế - Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Từ trước đến nay, đã có rất nhiều dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Song trên thực tế, không chỉ phần lớn các dự án chưa được triển khai mà nếu có thì chưa chắc đã dành cho đúng đối tượng. Xin bà cho biết, dự án này có gì khác?

Dự án tài chính nhà ở được thực hiện bằng nguồn vốn ODA vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có giá trị là 30 triệu USD. Mục tiêu trước mắt là thông qua hệ thống ngân hàng cho các đối tượng hộ gia đình nghèo và hộ có thu nhập thấp ở đô thị vay tiền với thời hạn 20 năm để sửa chữa và mua nhà ở. Mục tiêu dài hạn của dự án là xây dựng thị trường tài chính nhà ở tại Việt Nam.

Thưa bà, cơ sở nào để đưa ra con số thu nhập thấp nằm trong khoảng từ 1,5 - 6,6 triệu đồng/hộ/tháng?

Các chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật của Dự án đã tư vấn cho chúng tôi mức thu nhập của một hộ thu nhập thấp đô thị như vậy. Một hộ ở đây thường được tính là có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con, họ thường dùng 2/3 thu nhập hàng tháng cho sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, mỗi tháng họ chỉ có thể để dành được một ít tiền còn lại cho các mục đích nhà ở.

Nhưng những người sống ở Hà Nội hay TPHCM rất khó có thể tìm mua được nổi một căn nhà với giá chỉ 300 triệu đồng?

Theo tính toán thì nhà trị giá 300 triệu đồng mới phù hợp với điều kiện của người thu nhập thấp. Nếu không khống chế giá trị căn nhà như vậy thì sẽ không thể gọi là nhà dành cho người thu nhập thấp và người thu nhập thấp sẽ không có cơ hội để vay nguồn vốn ấy mà lại là những người khác.

Tuy nhiên, với tình hình giá nguyên vật liệu xây dựng có những biến động như hiện nay, chúng tôi cũng đang đề nghị nâng giá nhà lên cao hơn để các đối tượng vay có thể mua được những căn nhà có chất lượng tốt hơn.

Ngoài ra, cũng không nhất thiết phải là nhà chung cư, người ta có thể lựa chọn những căn nhà nhỏ ở trong ngõ hoặc những nơi ở xa trung tâm. Hơn nữa, dự án này triển khai trên toàn quốc vì thế không phải là không có nhà từ 200 đến 300 triệu đồng.

Vì vậy, hiện nay ngoài Hà Nội và TPHCM, Dự án cũng quy định các hộ thu nhập thấp tại các đô thị như Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Vĩnh Long, Biên Hòa có thể mua nhà trị giá đến 300 triệu đồng, còn các đô thị khác là 200 triệu đồng.
 
Thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng cũng được vay tiền mua nhà? - 1
Biến ước mơ có nhà ở của người thu nhập thấp thành hiện thực?

Như vậy, có nghĩa là bất cứ hộ gia đình nào chứng minh được thu nhập đáp ứng yêu cầu của dự án là có thể vay được tiền?

Dự án hiện nay mới chỉ được thực hiện thí điểm tại các đô thị trong cả nước. Do các ngân hàng tham gia thực hiện phải chịu hoàn toàn rủi ro về tín dụng nên họ phải tìm những người có khả năng hoàn trả. Vì vậy, những khách hàng vay có công việc và thu nhập ổn định như các cán bộ, công chức, những người làm công ăn lương tại các cơ quan, doanh nghiệp dễ dàng xác minh được mức thu nhập có thể dễ được xem xét cho vay.

Theo như bà nói, người dân sẽ vay tiền thông qua hệ thống ngân hàng. Bà có nghĩ rằng các ngân hàng có thể gây khó dễ cho khách hàng mà họ biết chỉ là những người thu nhập thấp?

Dự án chỉ tái cấp vốn cho các món vay đạt đủ các tiêu chí của Dự án trong đó có tiêu chí thu nhập. Mặt khác, để thu hút các ngân hàng tham gia dự án này, chúng tôi có chính sách cho các ngân hàng vay với lãi suất tương đối hấp dẫn và với thời hạn có thể dài đến 20 năm.

Vì vậy, chính các ngân hàng tham gia thực hiện Dự án sẽ tìm đến đúng các đối tượng vay hợp lệ là hộ nghèo và hộ thu nhập thấp đô thị để tiến hành cho vay.

Hiện một số ngân hàng tham gia thực hiện dự án này đã giải ngân là Ngân hàng nhà ĐBSCL, Ngân hàng phát triển nhà TPHCM, Ngân hàng Đông Á, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương; đã cho vay tới khoảng 1.500 hộ nghèo và hộ thu nhập thấp tại các đô thị trong cả nước từ nguồn vốn của dự án này.

Bà có nói rằng, mục tiêu lâu dài của dự án là xây dựng thị trường tài chính nhà ở. Nhưng trước thực tế hiện nay, liệu đây có phải là một mục tiêu xa vời?

Đây là vấn đề mới ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu học tập những mô hình và kinh nghiệm nước ngoài. Đối với các nước có thị trường tài chính nhà ở phát triển, họ có các tổ chức tái tài trợ thế chấp. Thông qua việc phát hành trái phiếu, chứng khoán hóa thế chấp, cơ quan này sẽ huy động nguồn vốn dài hạn từ quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm,… những nơi có dư thừa nguồn vốn.

Để xây dựng thị trường tài chính nhà ở Việt nam, cũng cần phải có tổ chức đó. Tháng 7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng Chính sách tài chính nhà ở quốc gia đến năm 2020 trong đó có xác định mục tiêu xây dựng thị trường tài chính nhà ở và cũng giao cho NHNN nhiệm vụ nghiên cứu thành lập cơ quan tái tài trợ thế chấp.

Ở Việt Nam, khi cơ quan tái tài trợ phát hành trái phiếu hay chứng khoán hóa thế chấp tạo các công cụ đầu tư có tính thanh khoản cao, chúng tôi hi vọng sẽ huy động được nguồn vốn lớn, dài hạn từ các quỹ, công ty bảo hiểm… để phục vụ cho lĩnh vực tài chính nhà ở. Như vậy, việc xây dựng thị trường tài chính nhà ở tại nước ta là hoàn toàn hiện thực.

Xin cảm ơn bà!

Theo quy định của Dự án, các hộ gia đình nghèo đô thị có thu nhập bình quân từ 550.000 đến 1,5 triệu đồng/tháng có thể được vay đến 28 triệu đồng để sửa chữa nhà ở, còn những hộ gia đình ở đô thị có thu nhập thấp với mức từ 1,5 đến 6,6 triệu đồng/tháng có thể vay mua nhà trị giá đến 300 triệu đồng/căn và thời hạn trả tối đa là 20 năm.

Người vay phải có ít nhất 30% số tiền trị giá sửa nhà hoặc nhà mua, và được vay 70% giá trị còn lại từ các ngân hàng tham gia thực hiện Dự án (trong 70% đó sẽ có 80% đến 90% là từ nguồn vốn của dự án ADB, còn lại 10% đến 20% là từ nguồn vốn của chính ngân hàng tham gia thực hiện cho vay).

 

Các quy định cho vay như thế này sẽ ràng buộc trách nhiệm của cả người vay, ngân hàng và dự án, tạo điều kiện đến đúng được đối tượng hộ nghèo và thu nhập thấp tại đô thị.

Lan Hương