1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thư ngỏ gửi Chủ tịch TP Hà Nội của ông Dương Trung Quốc

(Dân trí) - Ấn tượng với quy hoạch của khu trung tâm TP Bắc Ninh - nơi trước đây ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch tỉnh, hối thúc Nhà sử học Dương Trung Quốc viết thư ngỏ gửi người đứng đầu thành phố Hà Nội hiện nay. Thư viết:

Kính gửi: Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

 

Sáng hôm qua, 4-12-2008 tôi được mời lên nói chuyện tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh về chủ đề “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm”. Tôi thực sự ấn tượng khi đến khu trung tâm thành phố Bắc Ninh nơi có Quảng trường đặt tượng đài Đức Lý Thái Tổ, sừng sững hai công trình văn hoá mới xây dựng là Thư viện và Bảo tàng tỉnh. Vị trí trang trọng, không gian hoành tráng và kiến trúc quy mô, lại đặt đối xứng với trụ sở những cơ quan quyền lực cao nhất (Tỉnh uỷ và UBND) cho thấy quan điểm và tầm nhìn của lãnh đạo Bắc Ninh quan tâm đến sự nghiệp văn hoá như thế nào. Những người tôi tiếp xúc đều nhắc tới tên ông như một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất cũng là người có đóng góp quan trọng nhất đối với những công trình này khi Ông còn là Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

 

Nghĩ vậy mà khi trở về Thủ đô nơi Ông đang đảm nhận trách nhiệm là Chủ tịch Thành phố tôi cảm thấy bức xúc muốn lưu ý Ông đến với một công trình đang gây dư luận trong xã hội. Đó là việc lãnh đạo Hà Nội đã cho phép xây dựng trên nền Chợ tạm 19-12 một toà nhà 17 tầng làm văn phòng và các hoạt động dịch vụ thương mại.

 

Dư luận đã nêu, đơn từ của nhân dân đã gửi đến, nhưng quan trọng hơn là với con mắt nghề nghiệp của một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch Ông đủ hiểu những bất hợp lý về công trình này. Nó đã làm mất đi một con đường đã tồn tại ngót một thế kỷ tạo nên sự hoàn chỉnh về quy hoạch đô thị khu vực xung quanh một kiến trúc có công năng cần đến sự uy nghi và uy nghiêm là Toà án Tối cao.  Những giải pháp mang tính tạm thời như làm nơi quy tập hài cốt những người chết trong chiến tranh (thời kỳ đầu Toàn quốc Kháng chiến), hoặc làm “chợ tạm” chỉ là do tình huống hoặc do năng lực quản lý một thời. Việc di chuyển hài cốt để bảo đảm môi trường đô thị, việc giải toả chợ tạm để lấy lại quy hoạch tổng thể là đúng đắn.

 

Nhưng việc xây một công trình  kiến trúc vĩnh cửu có thể khối lớn, có công năng không thích hợp cần được xem xét lại... Trong khi áp lực về giao thông (động và tĩnh) trong khu vực đang đòi hỏi khôi phục lại con đường nối hai trục quan trọng là Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt là hợp lý và đáng được ưu tiên hơn cả. Vả lại cho đến nay, tất cả bản đồ thành phố đều mô tả không gian này là một con đường. Khôi phục lại con đường cũng là bảo tồn được một trong những hàng cây xanh (long não) vốn thuộc loại đẹp nhất thành phố (mà chắc chắn nó sẽ bị đốn hạ để xây dựng ?!) . Thêm nữa, đây cũng lại là một không gian để có thể tưởng niệm những người đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng chiến mà một thời cả chính quyền tạm chiếm (1947-1954) và chính quyền chúng ta đã từng tổ chức tưởng niệm (cho đến 1981 mới di dời). Điều đó cũng có nghĩa đây là một không gian văn hoá và tâm linh.

 

Tôi không nghĩ rằng siêu thị là không cần thiết nhưng chắc chắn với không gian này thì con đường giao thông phục vụ dân sinh và không gian tưởng niệm đáp ứng nhu cầu tâm linh liên quan đến một sự kiện lịch sử là cần hơn rất nhiều so với một siêu thị. Hơn thế nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng rộng lớn hơn là nơi chỉ để thu phí và lợi nhuận mang lại không phải cho nhiều người.

 

Việc lãnh đạo Thành phố đã sẵn sàng giải toả một không gian đã giao cho dự án xây dựng để làm công viên công cộng như ở trước Nhà Hát Lớn là một quyết định sáng suốt và hợp lòng dân. Chúng tôi mong sự sáng suốt ấy đến với nhiều nơi của thành phố trong đó có “con đường 19-12”. Chắc chắn khôi phục con đường này và ghi dấu tại đó những lưu niệm của một thời hy sinh gian khổ của Hà Nội trong chiến tranh sẽ làm Hà Nội giàu có hàm lượng văn hoá hơn rất nhiều việc thay vào đó là một toà nhà 17 tầng chỉ để kinh doanh.

 

Cảm xúc một lần được thấy các công trình văn hoá của thành phố Bắc Ninh làm tôi chạnh lòng mà mong rằng Hà Nội sẽ được như tỉnh bạn. Và tôi lại tin rằng những gì ông đã đóng góp cho quê hương của Đức Lý Công Uẩn sẽ được phát huy vào công cuộc lãnh đạo để xây dựng Thủ đô của quốc gia mà Đức Lý Thái Tổ đã đặt nền móng.

 

Kính chúc Chủ tịch thành đạt trong trọng trách của mình.

 

Ngày 5-12-2008

 

Kính thư

Dương Trung Quốc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm