1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thu hút nhân tài: “Chìa tay mời nhưng cũng phải biết chia tay”

(Dân trí) - Nói về công tác thu hút nhân tài để phát triển TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho rằng, thu hút nhân tài phải có thực tâm, đồng thuận đồng lòng để người được thu hút phát huy hết tài năng. “Chìa tay ra mời nhưng cũng phải biết chia tay”.

Ngày 26/4, Ban Tổ chức TƯ và Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Công tác nhân tài của Đà Nẵng - tình hình và giải pháp”. Gần 10 tham luận của đại biểu đến từ các địa phương bàn về vấn đề thu hút nhân tài trong giai đoạn hiện nay.
 
TS. Nguyễn Danh Châu (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bồi dưỡng - Ban Tổ chức TƯ) cho biết, dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn đánh giá cao nhân tài, coi “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, các cộng đồng dân tộc Việt Nam cho thấy luôn có những nhân tài kiệt xuất, góp phần phát triển đất nước.
 
Thu hút nhân tài: “Chìa tay mời nhưng cũng phải biết chia tay”
Ban Tổ chức TƯ và Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Công tác nhân tài của Đà Nẵng – tình hình và giải pháp"

Ngoài các anh hùng với những công lao hiển hách trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nhiều nhân tài trên các lĩnh vực khác nhau đã thúc đẩy, mở đường mang lại những giá trị về vật chất và tinh thần to lớn cho dân tộc.

Theo TS. Nguyễn Danh Châu, cùng với việc thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, Đảng ta cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài nên ngay từ khi lập nước, Đảng và Nhà nước đã có chính sách thu hút những trí thức, nhà khoa học, doanh nhân giỏi tham gia vào Chính phủ để gánh vác những công việc nặng nề, phức tạp sau cách mạng.

TS. Nguyễn Danh Châu cũng cho rằng trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ còn những mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính khách quan, công khai minh bạch. Vì thế không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa được nghiên cứu, thực thi đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài (cả trong và ngoài Đảng) vào công tác trong hệ thống chính trị cũng như người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc.
 
TS Nguyễn Danh Châu nhấn mạnh: “Chúng ta cũng chưa chú ý tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân tài hoạt động, phát triển tài năng, toàn tâm toàn ý cho công việc... Vì thế đã dẫn đến tình trạng có người tài đã rời bỏ khu vực không phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng cống hiến của mình để chuyển sang khu vực khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài còn thiếu đồng bộ và còn nhiều thiếu sót”.
 
Đó cũng chính là lý do để Ban Tổ chức TƯ chọn Đà Nẵng - một trong những địa phương đã có những thử nghiệm mạnh dạn trong công tác thu hút nhân tài - làm một trong những nơi nghiên cứu, khảo sát nhằm thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận, thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tạo tiền đề cho việc xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài có chất lượng và có tính khả thi cao. 
 
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng – ông Đặng Công Ngữ
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng – ông Đặng Công Ngữ
 
Nói về công tác thu hút nhân tài để phát triển TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở Ngoại vụ - ông Đặng Công Ngữ - cho rằng, thu hút nhân tài phải có thực tâm, đồng thuận đồng lòng để người được thu hút phát huy hết tài năng. “Chìa tay ra mời nhưng cũng phải biết chia tay”, ông Ngữ nói. Theo ông, đây là chuyện đãi ngộ, nuôi dưỡng nhân tài được mời về nhưng khi đối tượng thu hút không đáp ứng được yêu cầu công việc thì cũng phải biết nói lời chia tay.
 
Ông Ngữ cũng cho rằng chính sách đối xử công bằng, rõ ràng của các cơ quan sử dụng nhân tài sẽ phát huy tối đa khả năng của người được thu hút; đó mới là vấn đề quan trọng nhất.
 
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng – ông Đặng Công Ngữ
Sau 15 năm thu hút nhân tài, đến nay Đà Nẵng đã tiếp nhận được hơn 1.400 người; trong đó khối sở ngành chiếm đến 79%

Đối với việc thu hút nhân tài ở Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng – Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng nên thay đổi cách tìm kiếm phát hiện nhân tài. Thay vì thụ động chờ nhân tài đến với mình thì chủ động phát hiện nhân tài, chủ động thuyết phục người tài chấp nhận hợp tác với mình.

“Việc này đòi hỏi người đi tìm phải có con mắt xanh, phải có tấm lòng chân thật và đôi khi phải có cả sự kiên trì kiểu như Lưu Bị ba lần đến lều cỏ để mời gọi Khổng Minh”, ông Tiếng phát biểu.

Còn ông Trần Xuân Thọ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam thì cho rằng đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học, đội ngũ chuyên gia còn thấp và phân bổ không đồng đều, phần lớn trí thức có trình độ thạc sĩ và tương đương tập trung ở lĩnh vực giáo dục và y tế.

Ông Thọ phát biểu: Các cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ của tỉnh chưa thật sự đủ sức thu hút, khuyến khích tạo nguồn cán bộ phát triển tài năng và chưa tạo ra được sự chủ động, tích cực của từng địa phương trong phát triển nguồn nhân lực. Môi trường và các điều kiện làm việc, công tác ở tỉnh chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nguồn lực có chất lượng cao, làm hạn chế khả năng thu hút nhân tài của tỉnh.

Đối với công tác nhân tài ở nước ta nói chung, của TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung hiện nay, TS. Nguyễn Danh Châu cho rằng cần tập trung vào một số việc: Đánh giá chung về công tác phát hiện, đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài; thực trạng đội ngũ nhân tài trên các lĩnh vực; kinh nghiệm của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung trong công tác nhân tài.

Về định hướng và giải pháp đối với công tác nhân tài trong thời gian tới, ông đề nghị thảo luận các vấn đề: Những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới đối với việc xây dựng, phát triển nhân tài; mục tiêu quan điểm liên quan đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài; những giải pháp lớn về công tác nhân tài cần thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020…

Công Bính