1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thu hơn 200 tỷ đồng vì vi phạm tải trọng xe trong 6 tháng

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan này và các Sở Giao thông vận tải địa phương (GTVT) đã xử phạt hành chính 209,8 tỷ đồng về hành vi vi phạm về tải trọng xe tham gia giao thông đường bộ, tước 8.728 giấy phép lái xe.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, cố định và Thanh tra các Sở GTVT sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 355.349 xe, trong đó 24.853 xe vi phạm về tải trọng, 1.940 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 8.147 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 190,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, các Cục Quản lý đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra 1.195 xe, trong đó 784 xe vi phạm về tải trọng, 204 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 581 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 19,4 tỷ đồng.

Nhìn nhận thẳng thắn về những tồn tại trong công tác KTTTX, cơ quan Tổng cục này cho biết vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải; trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phối hợp giữa lực lượng Công chức Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ và lực lượng Thanh tra giao thông, Công an các địa phương còn hạn chế, còn một số việc cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh…

Xe quá tải bị xử lý vi phạm (ảnh: Xuân Hinh)
Xe quá tải bị xử lý vi phạm (ảnh: Xuân Hinh)

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, một số địa phương có kết quả chưa tốt, theo phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vẫn còn xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở quá tải lưu thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố mà chưa bị các lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý triệt để, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như xe chở nguyên vật liệu, chở vầu quá tải (đặc biệt vào ban đêm) lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, QL.21B, qua địa phận các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, TP. Hà Nội. Xe chở xi măng quá tải từ các nhà máy xi măng trên địa bàn huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và địa bàn huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Xe quá tải trốn tránh Trạm KTTTX trên QL.5, lưu thông trên QL.37, ĐT.391, tỉnh Hải Dương.

Xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải cung cấp cho các Dự án xây dựng đường bộ, lưu thông trên các tuyến đường tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Xe chở vật liệu xây dựng lưu thông qua khu vực đặt Trạm KTTTX tỉnh Yên Bái trên QL.70, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Xe tải hạng nặng, xe container siêu trường, siêu trọng lưu thông qua khu vực đặt Trạm KTTTX lưu động tỉnh Hà Nam đặt trên ĐT.494, thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Xe chở dăm gỗ quá tải, có kích thước thùng hàng vượt quá quy định ra vào Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xe chở nông, lâm sản, chở gỗ quá tải lưu thông trên QL.13, QL.14, QL.25 qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước.

Thậm chí, xe sử dụng Biển kiểm soát Quân đội giả để chở hàng quá tải, trốn phí sử dụng đường bộ lưu thông trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.

Những tháng đầu năm 2016, một số Cảng nhưHH Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và một số Cảng khác, cán bộ, nhân viên của các bộ phận làm nhiệm vụ giao, nhận hàng và KTTTX của Cảng lúng túng trong khi triển khai thực hiện Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, việc xuất, xếp hàng hóa lên phương tiện đúng tải trọng cho phép, trong đó có cả xe quá khổ, quá tải, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, không có Giấy phép lưu hành hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành giả để ra, vào Cảng giao, nhận hàng.

Điển hình là đầu tháng 1/2016, vụ việc 3 xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở hàng siêu trường, siêu trọng, sử dụng Giấy phép lưu hành giả, xuất phát từ Cảng Hải Phòng đi tránh Trạm KSTTX lưu động Hải Phòng, sau đó đi qua Trạm KSTTX TC028 trên QL.10, tỉnh Thái Bình, cuối cùng đã bị lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Nam Định phát hiện và xử lý.

Châu Như Quỳnh