“Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng để sung công quỹ”

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Tư pháp tập trung các nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội về thi hành án dân sự và có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines - đã bị kết án tử hình vì tội tham ô tài sản nhà nước.

Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên mà Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tư pháp là chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế và thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan thực hiện đúng tiến độ xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Bộ Tư pháp phải tập trung lực lượng nghiên cứu, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành rà soát sửa chữa những sai sót của Bộ luật Hình sự 2015 mà các cơ quan, tổ chức và báo chí đã phát hiện và trình Quốc hội xem xét. Hoàn thành các chỉ tiêu của Quốc hội về thi hành án dân sự và có kế hoạch, giải pháp xử lý dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, các vụ việc có liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

“Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng mà có để xung công quỹ, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về phòng chống tham nhũng”- Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bìa phải) bên hành lang Quốc hội sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bìa phải) bên hành lang Quốc hội sáng nay. (Ảnh: Việt Hưng)

Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tham gia xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế, chủ động đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành giải quyết về những vấn đề pháp lý phát sinh trong đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

Tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); xây dựng đội ngũ cán bộ có kỹ năng tốt, kiến thức toàn diện về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngoại giao, TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu về công pháp, tư pháp quốc tế để tham gia các vụ việc tố tụng, kể cả các vụ việc về công pháp, các vụ kiện quốc tế.

Thế Kha