1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Luật sư Nguyễn Cẩm - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hải Phòng:

“Thu hồi đất của ông Vươn, không bồi thường là…trái luật”

(Dân trí) - Luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hải Phòng nhận định: “Việc UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất NTTS của ông Vươn mà không tiến hành xem xét bồi thường theo luật định là không phù hợp với luật Đất đai và các văn bản dưới luật hiện hành”.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1887/Vu-cuong-che-dam-tom-gay-nhieu-tranh-cai-tai-Hai-Phong.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Vụ cưỡng chế đầm tôm gây nhiều tranh cãi tại Hải Phòng</b></a>

Xin Luật sư cho biết quan điểm và nhận định đúng, sai của ông trong việc UBND huyện Tiên Lãng tiến hành giao đất và thu hồi đất của gia đình ông Vươn?
 
Việc một số đối tượng trong gia đình ông Vươn sử dụng vũ khí chống đối quyết liệt làm nhiều người thi hành công vụ bị trọng thương là một vụ án hình sự nghiêm trọng, đương nhiên các đối tượng này sẽ bị xử lý theo pháp luật, chúng tôi chưa bàn tới.
 
Tuy nhiên, việc UBND huyện Tiên Lãng giao đất nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho hộ ông Vươn theo quyết định số 447/ QĐ-UB ngày 4/10/1993 diện tích 21 ha, thời hạn sử dụng 14 năm và sau đó tiến hành xử phạt hành chính đối với ông Vươn về việc lấn chiếm đất đai rồi ra Quyết định số 220/QĐ-UB ngày 9/4/1997 giao bổ sung cho ông Vươn 19,3 ha, thời hạn 14 năm tính từ ngày 4/10/1993 là chưa phù hợp với Lật đất đai năm 1987 và 1993. 
 
“Thu hồi đất của ông Vươn, không bồi thường là…trái luật” - 1
Luật sư Nguyễn Cẩm: UBND huyện Tiên Lãng không tiến hành xem xét bồi thường theo luật định là không phù hợp với Luật đất đai và các văn bản dưới luật hiện hành

Vấn đề ở đây là ông Đoàn Văn Vươn có lấn chiếm đất đai của hay không? Rõ ràng ông Vươn đã không lấn chiếm đất công và của người nào khác, mà ông này đã lấn biển, đầu tư nhiều tỷ đồng để trồng rừng chắn sóng, đắp đê mở rộng đất NTTS. Lẽ ra, ông này phải được chính quyền ghi nhận và thực hiện việc miễn thuế (áp dụng đối với người đi khai hoang lấn biển). Tại sao UBND huyện lại xử phạt rồi lại ra quyết định giao đất lần 2 (thời hạn 14 năm vào năm 1997) và lại tính từ thời điểm năm 1993 (?!).
“Thu hồi đất của ông Vươn, không bồi thường là…trái luật” - 2
 
Việc thu hồi đất NTTS của ông Vươn không phục vụ cho dự án nào cụ thể
 
Theo quy định tại điều 23, 24, 26, 45, 48, 49 của Luật đất đai năm 1987 và Điều 20, Điều 67 luật đất đai 1993 và Điều 6 của Luật đầu tư thì đất NTTS của ông Vươn được giao là đất nông nghiệp, thời hạn giao đất phải là 20 năm theo luật định. Đất giao năm nào thì phải tính thời hạn từ năm đó, chứ không thể giao năm 1997 lại tính thời hạn từ năm 1993.
 
Nếu như có cơ quan tham mưu tốt thì phải sửa lại 2 quyết định giao đất cho gia đình ông Vươn cho phù hợp với luật đất đai. Nhưng đáng tiếc, cơ quan tham mưu cho huyện về luật pháp không tham mưu được chỗ này dẫn đến việc UBND huyện ra quyết định thu hồi đất NTTS của ông Vươn mà không tiến hành xem xét bồi thường theo luật định - lại một lần nữa không phù hợp với Luật đất đai và các văn bản dưới luật hiện hành.
 
Đặc biệt là lý do thu hồi đất NTTS của ông Vươn không phục vụ cho dự án nào cụ thể, trong khi gia đình ông đã vay mượn nhiều tiền của để đầu tư vào đây và đã theo kiện vụ án hành chính đến 2 cấp tòa.

Về việc ngôi nhà 2 tầng và tài sản liên quan của Đoàn Văn Quý bị phá hủy không nằm trong khu vực bị cưỡng chế cùng hàng chục tấn thủy sản trị giá ước tính trên 1 tỷ đồng trong đầm NTTS của ông Vươn "bốc hơi" thì sao, thưa ông?

Theo tôi cơ quan chức năng của Hải Phòng phải tiến hành khởi tố ngay vụ án “Hủy hoại tài sản công dân” để điều tra, làm rõ và tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

“Thu hồi đất của ông Vươn, không bồi thường là…trái luật” - 3
 
Đoàn công tác Hội Nông dân thăm, làm việc tại ngôi nhà và tài sản bị phá hủy  tại đầm của ông Đoàn Văn Vươn nuôi trồng thủy sản vào chiều 02/2.
 
Còn việc ngôi nhà 2 tầng không thể mấy người dân đập phá, san phẳng ngay trong một ngày được. Nếu là người dân thì cơ quan chức năng phải điều tra rõ ai là người cầm đầu khởi xướng, ai là những người tham gia đập phá để truy cứu trách nhiệm hình sự, không thể đổ lỗi cho nhân dân được.
 
Nếu là lực lượng cưỡng chế thì ai là người ra lệnh, những ai tham gia đập phá, hủy hoại ngôi nhà này, kể cả việc hàng chục tấn thủy sản trong đầm của ông Vươn bị đánh bắt trái phép cũng phải được điều tra. Người ra lệnh đập phá nhà, đánh bắt sản phẩm tại đầm của ông Vươn phải chịu trách nhiệm bồi thường chính, những người liên quan cũng phải chịu trách nhiệm liên đới...
 
Theo ông, điều gì có thể rút ra từ vụ việc này?
 
Đây là một bài học lớn về việc áp dụng pháp luật trong việc cưỡng chế, thu hồi đất không chỉ cho riêng huyện Tiên Lãng mà còn cho các địa phương trong cả nước. Vấn đề mấu chốt ở vụ án này là việc thực hiện quyền dân chủ và phát huy quyền dân chủ của người dân chưa thực sự được coi trọng.
 
Chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt việc đối thoại dân chủ, mặc dù UBND huyện Tiên Lãng nói đã tiến hành vận động, giải quyết đến 7 lần, nhưng chính quyền không bám vào cơ sở pháp luật là Luật đất đai, hoặc thỉnh thị vụ việc lên cấp trên hoặc tổ chức bảo vệ pháp luật khác, cứ duy ý chí là thu hồi, cưỡng chế thu hồi, không bồi thường gì cho nên đã đẩy người dân vào bước đường cùng.
 
Tôi xin khẳng định rằng nếu gia đình ông Vươn và một số chủ đầm ở Tiên Lãng bị thu hồi đất tương tự như gia đình ông Vươn có đơn nhờ luật sư, Đoàn luật sư Hải Phòng cũng như cá nhân tôi sẽ nhận trợ giúp pháp lý miễn phí.
 
Xin cảm ơn Luật sư!
 
Ngày 3/2, PV Dân trí tiếp tục quay trở về khu đầm bị cưỡng chế của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Khu vực đầm nuôi thuỷ sản sau nhiều ngày bị quần thảo đã trở nên xơ xác. Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ Đoàn Văn Quý) vẫn ở tại căn lều dựng tạm để tiếp tục trông giữ những tài sản của gia đình tại khu đầm.

Trước đó, trong buổi về thực địa và làm việc tại khu đầm bị cưỡng chế, ông  Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch hội nông dân Việt Nam bày tỏ sự sốt ruột với cách làm việc chậm trễ của chính quyền TP Hải Phòng. “Việc xử lý của TP Hải Phòng đến nay là quá chậm trễ. Điều đó làm người dân vất vả, không yên tâm làm ăn, đồng thời chính quyền huyện Tiên Lãng cũng như UBND TP Hải Phòng cũng không yên tâm làm việc. Một ngày có mấy chục đoàn đến thì sao còn làm việc được. Điều quan trọng bây giờ là đề nghị các cấp các ngành nhanh chóng vào cuộc để xử lý ổn định đời sống người dân”, ông Lượng nói.

“Thu hồi đất của ông Vươn, không bồi thường là…trái luật” - 4
Ông Nguyễn Duy Lượng (Đội mũ bảo hiểm) trong buổi tiếp ông Vũ Văn Luân (ảnh phải) - một chủ đầm và bà Phạm Thị Báu ( vợ Đoàn Văn Quý) vào chiều 02/2.

Ông Nguyễn Duy Lượng cũng bày tỏ quan điểm của mình về việc thời gian thuê khu đầm của gia đình ông Vươn: “Việc cho thuê đất 14 năm thay vì 20 năm thì còn đang tranh cãi. Hiện nay xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đang nói là đất ven bãi mà đất này chưa phải đất nông nghiệp nhưng thực ra đất canh tác nông nghiệp như nuôi trồng, chăn nuôi thủy sản thì mình coi như là đất nông nghiệp. Vấn đề này cũng tồn tại ở nhiều địa phương chứ không riêng Tiên Lãng, người dân nhiều nơi cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là một thiếu sót cần phải xem xét và sửa đổi về luật. Chính quyền có giao đất nhưng giao hết thời hạn 14 năm đã thu hồi và thu chưa rõ mục đích". 

Anh Thế

 
Quốc Đô - Quang Chiến (Thực hiện)