1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước để phòng chống tham nhũng

(Dân trí) - Tổng rà soát, sửa đổi pháp luật về bí mật nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước ở mức cần thiết là một trong những giải pháp nằm trong Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

Theo nhận định của Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Trần Đức Lượng (Thanh tra Chính phủ) thì đây là một trong những giải pháp nâng cao minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền.

Thực tế hiện nay cho thấy có những lĩnh vực văn bản không phải bí mật, không tổn hại đến lợi ích quốc gia nhưng vẫn đóng dấu mật, khi đó đoàn cán bộ thanh tra, kiểm tra muốn tiếp cận cũng khó.

Thiếu một giải pháp lâu dài về phòng chống tham nhũng

Thông tin từ Thanh tra Chính phủ, những năm qua, Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương chính sách nhằm ngăn, chặn đẩy lùi tình trạng tham nhũng, góp phần giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế xã hội. Từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành TW Đảng khóa 10 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng lãng phí” và Luật phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yêu cầu và hiệu quả chưa cao. Một trong những nguyên nhân cơ bản là thiếu cơ chế phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng, thiếu một hệ thống giải pháp có tính chất căn bản lâu dài, toàn diện.

Để khắc phục những vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và các cơ quan hữu quan xây dựng Chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Yêu cầu đặt ra đối với Dự thảo chiến lược và kế hoạch hành động là phải khái quát được thực trạng tình hình, thể hiện rõ ràng quan điểm của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng (PCTN), đề ra được các giải pháp mang tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện, trước mắt là thực hiện tốt Nghị quyết TW 3 khóa 10 và Luật phòng chống tham nhũng.

Dự thảo Chiến lược gồm 5 nội dung chính: Bối cảnh ban hành; Mục tiêu, quan điểm của Chiến lược; Các nhóm giải pháp; Lộ trình thực hiện; Tổ chức thực hiện. Theo đó, mục tiêu chung mà Chiến lược đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước nói chung, cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng nói riêng.

Nhiều ý tưởng đột phá trong phòng và chống tham nhũng

Chiến lược đề ra 7 nhóm giải pháp gồm:

1. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền;

2. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ;

3. Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng;

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng;

5. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong PCTN;

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và kết quả PCTN;

7. Hợp tác quốc tế về PCTN.

Trong 7 nhóm giải pháp này là 40 giải pháp nhỏ, trong đó có nhiều giải pháp đột phá trong công việc PCTN như phải tổng rà soát, sửa đổi pháp luật về bí mật nhà nước theo hướng thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước ở mức cần thiết. Theo nhận định của Cục trưởng Cục PCTN Trần Đức Lượng thì đây là một trong những giải pháp nâng cao minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền.

Các giải pháp đáng chú ý khác là xây dựng và thực hiện nghiêm cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân; xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin; Hoàn thiện pháp luật về thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động; Xây dựng Luật Chống rửa tiền;

Nghiên cứu sửa đổi pháp luật theo hướng tăng hình thức phạt tiền; miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng đã thực hiện hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả; Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng quốc gia; Tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công tác PCTN.

Phát huy vai trò của báo chí trong công tác PCTN; Đảm bảo việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vụ việc tham nhũng cho các cơ quan báo chí...

Được biết, vào ngày 18/8, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng, chống tham nhũng đã tổ chức Hội thảo khoa học, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở TƯ và các địa phương khu vực phía Bắc đối với Dự thảo Chiến lược PCTN đến năm 2020. Vào ngày mai 22/8, một hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Lê Châu