1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ đô "Hà Nội mới" sẽ có tầm khu vực

(Dân trí) - Quốc hội ngày 29/5 đã thông qua việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Hà Nội mới và những vấn đề cần làm ngay, mô hình không gian của Hà Nội tương lai sẽ như thế nào?.

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), người Chủ trì nghiên cứu Đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng sẽ cho bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này.

Việc đầu tiên cần phải làm khi Quốc hội thông qua việc mở rộng Hà Nội là vấn đề về tổ chức. Cụ thể là thành lập ngay bộ máy cho Thủ đô mới trên cơ sở hợp nhất bộ máy của các địa phương khi sáp nhập.

Theo định hướng trong đề án của Chính phủ thì bộ máy chính quyền mới có một số thay đổi, hợp nhất ở cấp Sở trở lên. Còn từ cấp quận, huyện trở xuống thì vẫn giữ nguyên.

Duy chỉ có 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hoà Bình) thì chắc sẽ có sự thay đổi. Có thể lập thành huyện mới hoặc nhập vào một huyện nào đó. Theo tôi thì nhiều khả năng sẽ nhập vào các huyện liền kề.

Thủ đô Hà Nội mở rộng có tổng quy mô diện tích tự nhiên là khoảng trên 3300 km2 , tổng quy mô dân số là hơn 6 triệu dân, trong đó gần 2,5 triệu dân đô thị (40%).

 

Thủ đô Hà Nội mở rộng quy hoạch đến năm 2030 và hướng tầm nhìn 2050 là Thủ đô biểu trưng của quốc gia, một đô thị hiện đại năng động và hiệu quả, trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, một trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế có tầm khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Việc thứ hai cần phải làm là lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo và kế hoạch ngân sách năm 2009 để trình Quốc hội phê duyệt. Việc này sẽ phải do bộ máy của Hà Nội mới đảm trách. Tất nhiên là UBND TP sẽ không trình Quốc hội mà là trình Chính phủ để Chính Phủ tổng hợp trình Quốc hội.

Việc thứ ba là lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đáng ra bộ máy chính quyền mới của Hà Nội sẽ phải đảm nhận thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên do bộ máy của Hà Nội mở rộng mới sẽ chưa thật sự ổn định, hơn nữa việc mở rộng Thủ đô là việc trọng đại, của cả nước nên Chính phủ sẽ ủy quyền cho Bộ Xây dựng và một số bộ, ngành liên quan phối hợp với Hà Nội thực xây dựng quy hoạch.

“Nếu được Chính phủ giao thì rất có thể Viện chúng tôi sẽ đơn vị được Bộ Xây dựng giao vai trò đầu mối, tổ chức việc lập vì chúng tôi đã tham gia từ đầu đề án này” - ông Hải cho biết.

Theo định hướng của Chính phủ thì việc xây dựng quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng sẽ huy động mọi ý kiến đóng góp của các tổ chức, các chuyên gia, nhân dân trong nước cũng và sẽ thuê cả tư vấn nước ngoài tham gia.

Chúng tôi sẽ mời tham gia ý kiến của xã hội ngay từ khi những khâu xây dựng chứ không phải là làm xong mới đem ra trưng bày và lấy ý kiến. Khi có sản phẩm chúng tôi sẽ tiếp tục triển lãm để lấy ý của người dân.

Đặc biệt, theo định hướng của Chính phủ thì khi có phương án quy hoạch sẽ gửi xin ý kiến của Quốc hội mặc dầu theo quy định pháp luật hiện hành thì quy hoạch là thẩm quyền của Chính phủ. 

Thủ đô "Hà Nội mới" sẽ có tầm khu vực - 1
  

Ông Ngô Trung Hải.

Một số dự án quy hoạch cũ không phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của Hà Nội mở rộng sẽ không được thực hiện. Hiện nay chưa có quy hoạch của Hà Nội mở rộng nhưng theo định hướng của Chính phủ thì các khu đô thị chức năng sẽ được quy hoạch chặt chẽ, không thể chấp nhận tình trạng “da báo”.

Ví dụ, đã có khu đô thị về đại học thì tất cả các trường đại học sẽ phải đưa vào đó chứ không thể là để mỗi nơi một vài trường và đã là quy hoạch dân cư thì phải đưa vào thành một vùng có quy mô vài chục vạn, cũng như không quy hoạch vùng nông nghiệp trọng điểm thì không thể chấp nhận có một vài nhà máy, dự án nằm rài rác ở giữa.

Những dự án, quy hoạch không phù hợp với quy hoạch chung thì sẽ phải thu hồi đất chứ không phải là cho thay đổi loại hình dự án cho “giông giống” với chức năng của vùng đó.

Nếu được Chính phủ giao làm đầu mối trong việc tổ chức xây dựng quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, chậm nhất là cuối năm 2009. Trung tâm Hà Nội hiện nay sẽ trở thành vùng đô thị bảo tồn, có tính chất lịch sử văn hóa truyền thống.

Về mô hình không gian trong thời gian tới. Theo định hướng chung thì Hà Nội mới phải là một Thủ đô đa chức năng. Điều này cũng có nghĩa là Thủ đô mới sẽ có những khu hành chính, thương mại, văn hoá, khoa học… Theo đề án mà chúng tôi xây dựng trình Chính phủ và báo cáo với Quốc hội thì Thủ đô sẽ có hai phần.

Thủ đô "Hà Nội mới" sẽ có tầm khu vực - 2
  

Bản đồ định hướng phát triển không gian
Hà Nội mở rộng (ảnh do ông Hải cung cấp).

Vùng đô thị cũ hiện hữu (nội đô Hà Nội hiện nay) là khu vực sẽ trở thành vùng đô thị bảo tồn, có tính chất lịch sử văn hóa truyền thống. Khu vực này vẫn tiếp tục cải tạo chỉnh trang và hoàn chỉnh cảnh quan đô thị nhằm cải thiện môi trường khu vực trung tâm thực sự là hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô.

Vùng phát triển mở rộng có ngưỡng đến vùng thoát lũ sông Đáy (vành đai 4) tạo vùng giãn dân cho trung tâm, phát triển các khu đô thị xen kẽ với không gian mở, kết hợp công viên, vành đai xanh và trục mở để đưa những khoảng cây, công viên rừng (tạo sự kết nối từ rừng Quốc gia Ba Vì về trung tâm cũ Hà Nội).

Khu vực này cần được kiểm soát chặt chẽ tránh tình trạng phát triển lan tỏa từ trung tâm và xây dựng ồ ạt bám xung quanh vành đai vùng 4, các dự án khu đô thị mới phá vỡ không gian cây xanh và vành đai xanh quanh Hà Nội cũ.

Về phía Bắc, vùng mở rộng đô thị, phát triển trung tâm đô thị bắc sông Hồng về giao dịch, thương mại, tài chính, văn hóa giải trí, gắn vùng cửa ngõ tiếp vận quốc gia Nội Bài với các đô thị hàng không Nội Bài, Mê Linh, Sóc Sơn và các trung tâm công nghiệp phía bắc gắn trục Côn Minh - Hạ Long.

Về phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai liên kết phát triển các trung tâm mới cấp độ quốc gia. Đô thị Hòa Lạc (dự kiến 85 vạn dân năm 2050) phát triển khu hành chính quốc gia, trung tâm nghiên cứu khoa học, khu công nghệ cao, các trung tâm văn hóa giải trí lớn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, các khu đô thị mới hiện đại.

Đô thị Sơn Tây, đô thị cũ (dự kiến 60 vạn dân năm 2050) phát triển theo hướng tôn tạo các khu vực lịch sử như làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, các làng nghề truyền thống, phát triển khu vực ươm trồng  cây cảnh phục vụ cho Thủ đô và vùng, phát triển dịch vụ du lịch.

Đô thị Xuân Mai (dự kiến 85 vạn dân năm 2050) phát triển theo hướng trở thành một trung tâm đào tạo đại học (gắn với trục Thanh Xuân - Hà Đông - Xuân Mai, tạo thành chuỗi đô thị đại học), trung tâm thể thao quốc gia, khu vực tập trung đất dành cho quốc phòng...

Tuấn Hợp