Thú chơi hàm cá mập

Cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) vào một sáng tháng 5 chộn rộn đến lạ khi có rất nhiều người đang dán chặt mắt vào một con cá mập khổng lồ, nặng khoảng nửa tấn.

Con cá mập "khủng" này đang được hơn chục thuyền viên tàu cá đánh bắt xa bờ của ông Bảy Do "cẩu" từ khoang tàu lên kè đá trên cảng để giao cho mối lái. Đây là con cá mập trắng được ngư dân mệnh danh "hung thần đại dương", từng được đạo diễn Steven Spielberg lừng danh tái hiện sinh động qua bộ phim gay cấn từng phút một "Hàm cá mập".

Điều lạ ở  con "ác ngư" khổng lồ này là bộ hàm sắc như dao cạo của nó trụi lủi, chỉ còn trơ vài mươi chiếc bé xíu nằm ở trong. Hỏi ra mới biết căn nguyên của việc hung thần đại dương bị "vặt" răng nanh không phải bởi những người săn được sợ nó táp hỗn, mà bị “vặt” để làm đồ trang sức và "phục vụ" theo đơn đặt hàng của dân chơi nanh vuốt mãnh thú!

Giới dân chơi nanh vuốt lâu nay vốn chuộng răng nanh - móng vuốt của một số loài mãnh thú như hổ, gấu, heo rừng…. Chứ chuyện người ta đổ xô săn lùng, sưu tầm răng nanh hay nguyên cái hàm cá mập thì hơi bị lạ. "Các loài gấu - heo - beo - hổ chính là mãnh thú rừng xanh. Lâu nay thiên hạ tin rằng nếu đeo nanh vuốt được bọc bạc của những loài này, nhất là nanh vuốt của những con mãnh thú sống lâu năm thì khi lên rừng, lúc xuống biển sẽ không bị gió nhập. Đặc biệt  lúc lâm trận giao chiến thì đao thương bất nhập, đạn hoặc bắn trật hoặc bắn không thủng. Riêng dân kinh doanh vốn có chút niềm tin tâm linh tin chắc những cái nanh vuốt của các loài mãnh thú giúp họ xua đuổi được tà khí cùng các thế lực âm binh. Từ đây đường công danh hoạn lộ hay các phi vụ mua bán làm ăn đều được hanh thông, nói chung mọi sự đều được thuận buồm xuôi gió".

Phần đông tay chơi nanh vuốt khi được hỏi về cái thú sưu tầm "binh khí" của các loài mãnh thú rừng xanh đều có cùng quan điểm, sẻ chia ấy. Căn nguyên của việc dân chơi nanh vuốt sẵn sàng chi hàng triệu đồng để "đổi quyền sở hữu" cái nanh hổ to cỡ ngón tay cái người lớn, dài khoảng 10-12cm hay chiếc răng nanh của loài heo độc chiếc (heo rừng nhiều năm tuổi sống đơn độc và chỉ có 1 răng nanh) có độ lớn và chiều dai tương tự bởi họ tin rằng trước tiên, đó là đồ quý hiếm: "Ở thời buổi thợ săn nhiều hơn muông thú thì việc ai đó hạ gục gấu, hổ là khá hiếm hoi. Thường thì khi hạ gục mấy ông mãnh thú này, phường săn lấy nanh-vuốt về lưu giữ để đánh dấu chiến tích, hoặc tặng cho bạn bè, chiến hữu đem bọc bạc đeo chơi…, hiếm khi họ bán ra ngoài. Càng như thế thì nanh hổ, nanh heo càng hiếm dữ. Mà phàm thứ gì càng hiếm thì càng quý và… đắt".

Đang giữ trong tư gia bộ sưu tập hơn 100 bộ móng vuốt, đồ trang sức bằng ngà của gấu, cọp, voi…, Sáu, tay chơi nanh vuốt có thứ hạng ngụ quận 7, TP HCM bày tỏ sự đồng tình trước lập luận trên của chiến hữu là Quý, đang là chủ một cửa hiệu kinh doanh đồ cổ ở  phố cổ Lê Công Kiều, quận 1. Theo lời Sáu, bên cạnh cái sự "quý hiếm", nanh vuốt của mãnh thú còn ẩn chứa trong nó những nội lực phi phàm: "Sống giữa rừng sâu, hấp thụ nhiều linh khí của đất trời, lại được cao xanh ban cho sức khỏe, độ tinh nhạy kinh hồn nên dù muốn hay không, nanh vuốt của heo rừng, gấu, "ông ba mươi" đều tiềm tàng dương khí, thần khí, có tác dụng khu trú, loại trừ tà khí một cách hữu hiệu".

Từng một thời gây sốt trong giới dân chơi nanh vuốt, nay các món "vũ khí" của các loài mãnh thú kể trên chẳng được những tay chơi như Sáu, Quý… mặn mà. Căn nguyên bởi thú chơi quý tộc này dần trở nên tầm thường, không còn oách như thuở ban đầu, cái thuở mà ai đó khi đeo tòng teng trên cổ cái nanh heo, cái nanh hay móng cọp bọc bạc… sẽ nhận được những ánh nhìn trầm trồ, thán phục. Một tay chơi tên Mỹ đang rất hứng thú với trò "săn hàm cá mập" tỉ tê: "Sau này nhìn thấy ai đeo các món ấy, thiên hạ phục đâu hổng thấy, chỉ thấy họ tặc lưỡi tội nghiệp bởi chẳng rõ tay chơi kia có bị bọn gian thuốc, nghĩa là chi hàng triệu đồng để đeo cái nanh, cái vuốt được "kết tinh" từ bột đá hoặc nhựa tổng hợp được mài giũa, tạo dáng tinh vi… mà họ cứ đinh ninh là nanh vuốt của cọp, beo, heo, gấu thứ thiệt".

Nanh vuốt của các loài mãnh thú chốn rừng sâu "rớt đài" đồng nghĩa với việc răng nanh của các loài mãnh ngư "lên ngôi". Một tay chơi tên V. ngụ quận 1 đề nghị "ém tên" thổ lộ: "Khoảng 2 năm trở lại đây, trước hiện tượng nanh vuốt của cọp, beo, heo, gấu bị phường gian làm giả và bày bán tràn lan, dân chơi nanh vuốt tẩy chay, hạ bệ mấy "món" này, dồn sự chú ý đặc biệt đến nanh của loài cá cúi và đặc biệt là bộ hàm của loài cá mập bởi nó lạ… và khó làm giả".

Cá cúi theo giải thích của các tay chơi chính là loài bò biển, hay du-gông. Loài này còn được biết đến với cái tên mỹ miều là "nàng tiên cá" vì truyền thuyết giữa đêm khuya thanh vắng giữa trùng dương, chúng thường phát ra âm thanh du dương nghe như tiếng hát của những nàng tiên giữa biển khơi. Tiếng là nàng tiên cá nhưng loài bò biển đúng như tên gọi của nó, xấu đau xấu đớn, thân to như con bò, phần đầu dị hợm với cái mõm dài như mõm heo "đính" với 2 chiếc răng nanh dài khoảng một gang tay.

V. bật mí rằng tiếng đồn ai sở hữu được cái nanh của cá cúi sẽ gặp nhiều may mắn nên có một dạo người ta đổ xô kiếm tìm, có người sẵn sàng chi cả trăm triệu đồng, có khi còn chi gấp đôi để có được cặp nanh của nàng tiên cá: "Nắm bắt được điều đó, bọn gian cũng tung ra đủ chiêu lọc lừa, tạo ra những bộ nanh cá cúi bằng bột đá trộn với keo tổng hợp ép khuôn và bán với giá trên trời. Thế nên chỉ rộ được một thời gian thì nanh cá cúi cũng bị dân chơi tẩy chay. Nay thì mọi thứ đều nhường chỗ cho nanh và nhất là hàm cá mập".

Thú chơi hàm cá mập
Hàm cá mập… và những "chiến tích" nanh mập bọc bạc cùng hàm cá khổng lồ mà ông Xuân khoe đang… sở hữu.

Trở lại với sự kiện con cá mập nặng gần nửa tấn bị "rụng răng" tại cảng cá Hòn Rớ. Hùng, thuyền viên trực tiếp cùng hơn chục bạn biển trên tàu cho biết săn được "con ác ngư" tại vùng biển Đông, gần khu vực đảo Đá Tây thuộc tuyến Nam quần đảo Trường Sa. "Khi nó dính câu, anh em tụi tui phải quần hơn 3 giờ đồng hồ mới kéo được nó lên boong tàu. Đây là con cá mập khá lớn, lâu lâu mới gặp nên anh em mỗi người tuyển vài cái nanh của nó về bọc bạc đeo chơi". Cũng theo Hùng, không loại trừ có thuyền viên "tuyển" nanh cá mập chỉ để bán cho các tay chơi khoái sưu tầm nanh và hàm cá mập!

Tại cảng cá Hòn Rớ hôm ấy, đa phần ngư dân khi được hỏi thăm đều cho biết vùng biển Đông có nhiều loài cá mập nhưng loài được "thợ săn" trên bờ lẫn dưới nước ưa chuộng nhất chính là cá mập trắng khổng lồ, bởi bộ hàm của loài này đúng nghĩa sát thủ, to lớn và bén như dao cạo. Đá chân vào chiếc mõm lớp bị bẻ nanh, lớp bị lóc cả hàm của con cá khủng, Hùng, tặc lưỡi: "Chủ tàu cá và dân đi bạn tụi tui kết mập trắng bởi bộ vi, vây của nó sau khi được cắt rời phơi khô và xử lý sẽ trở thành biệt dược hảo hạng, bán khá nhiều tiền. Còn dân chơi hàm cá mập khoái vì cái hàm của nó rất ấn tượng, nhìn vào ấy cứ như hoa cả mắt trước rừng chông - dao trắng hếu, tua tủa, chất chồng lên nhau như ma trận".

Không chỉ tại cảng cá Hòn Rớ, trước đó, tại cảng cá Long Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), người viết cũng tiếp cận những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ và được biết sau khi săn được cá mập, người ta thường cắt lấy vi, vây và lóc lấy bộ hàm để bán theo đơn đặt hàng từ trước của các nhà sưu tập, giới dân chơi. Ông Khang, chủ một tàu cá cho biết: "Thịt cá mập rất dở, vừa tanh lại vừa nhạt nên chẳng ai buồn động đũa. Thế nên trước đây khi câu được cá mập, dân đi bạn trên các tàu cá sau khi lấy vi-vây thường vứt xác cá xuống biển. Sau này rộ lên trào lưu lấy xương sụn cá mập chữa ung thư và nhất là cái mốt chơi hàm cá  mập nên dân đi bạn khi câu được mập mổ bụng moi vứt ruột rồi giữ nguyên con vào hầm lạnh, tất nhiên chẳng ai quên lóc nguyên bộ hàm sắc lẹm như dao cạo của nó để bán cho mối lái với giá từ dăm bảy trăm ngàn đến hơn chục triệu đồng một bộ tùy lớn nhỏ".

Đi sâu vào thú chơi hàm cá mập, người viết nhận thấy thú chơi này không rầm rộ, ồn ào như thú chơi nanh vuốt của các loài mãnh thú chốn rừng xanh. Nhưng không vì thế mà quá trình săn lùng "nanh-hàm ác ngư" của các tay chơi kém phần khốc liệt. Ông Xuân, một dân chơi chuyên sưu tầm hàm cá mập, ở quận 1, TP HCM tỏ bày: "Nếu như trên rừng cọp, gấu… là mãnh thú thì ở dưới đại dương, cá mập trắng là trùm, là chúa tể đại dương. Thực tình mà nói, người ta chơi hàm cá  mập trắng đa phần chẳng mang nặng chuyện tâm linh, như tin đeo nanh cá mập, bày trong tư gia hàm cá mập thì sẽ hên, sẽ được cái này, tránh cái kia. Cái đích của thú chơi nanh-hàm cá mập chỉ đơn giản vì nó lạ, nó khác người, nó chẳng giống ai… Mà như thế thì mới tạo nên dấu ấn, đẳng cấp".

Ông Xuân khoe đang nắm trong tay hơn 200 hàm cá mập, trong đó có những bộ hàm khổng lồ tính ra còn oách hơn bộ hàm của con mập nặng gần nửa tấn tại cảng cá Hòn Rớ. Chúng tôi ngỏ ý được mục kích sở thị, tay chơi này tế nhị khước từ với lý do sợ khách chụp hình, đem đi tuyên truyền, phổ biến sẽ dấy rộng thú chơi săn hàm cá mập, như cái thuở mà  trước đây chẳng ai thèm ngó ngàng đến vỏ các các loài ốc quý hiếm như xà cừ, tù và, vỏ ốc heo, ốc bản đồ… vốn từng đầy rẫy ở vùng vịnh Khánh Hòa, nay thì kiếm đỏ mắt cũng không có.

Ông Xuân chỉ cho chúng tôi xem vài tấm hình về nanh cá mập bọc bạc trông rất "tráng lệ" và những chiếc hàm khủng mà ông đang "nắm trong tay" cùng bật mí: "Chú em có thể hình dung như vầy, cái hàm mập lớn nhất mà tôi đang giữ, chú có thể đưa nguyên đầu vào đấy vẫn lọt thỏm. Nếu ở dưới biển, chỉ cần một cú táp nhẹ của con quái vật này thì đảm bảo chú em sẽ đứt làm đôi một cách ngọt xớt'.

Ngoài cái chuyện khác người, chẳng giống ai, chúng tôi hỏi ông Xuân rằng, ông cũng như một số tay chơi khác, tích cực săn nanh - hàm cá mập còn vì lý do gì khác? Sau một hồi đắn đo, ông Xuân e hèm, thổ lộ: "Nói thiệt, dân chơi hàm mập như tôi có thể nói là có tầm nhìn xa trông rộng. Bởi cá mập rồi cũng sẽ như gấu, voi rừng, bò tót, tê giác… rồi cũng sẽ bị tiêu hao bởi cánh phường săn. Giờ mình chịu khó đi tắt đón đầu, mai này khi mập trắng tuyệt chủng, hay chí ít ra chúng không có được cái cơ hội to lớn, nặng đến hơn 400 ký lô hay cả tấn thì mình là người hiếm hoi giữ được những cái hàm mập khổng lồ. Khi mình có trong tay đồ độc, ai đó muốn sở hữu, mình rao giá cỡ nào thì họ cũng gật".

Tâm tình của ông Xuân thoạt nghe thấy hơi phi lý nhưng suy đi nghĩ lại mới thấy "thực tế" vô cùng. Thì ra đặc tính và số phận của cá mập "đặc biệt" chẳng khác gì chúa sơn lâm. Trên rừng, cọp là chúa tể rừng xanh, dưới biển, cá mập trắng khổng lồ là hung thần biển cả. Cả cá mập trắng và chúa sơn lâm đều khỏe mạnh, muông thú đều kinh sợ và từng đầy rẫy khắp các cánh rừng cũng như nhung nhúc giữa mênh mông đại dương. Nhưng tiếc rằng sức khỏe kinh hồn, móng vuốt bén nhọn như dao găm, hàm răng như dao cạo không giúp được chúa tể rừng xanh lẫn hung thần đại dương thoát khỏi tầm ngắm cú vọ của con người. Hậu quả là cả hai bị truy sát kịch liệt, nên “quân số” rơi rụng thảm thương

Vi - vây cá mập trắng bán rất nhiều tiền, hễ có hàng là mối lái tranh mua khốc liệt. Bộ hàm của con mập khổng lồ cũng vậy, dân chơi sẵn sàng trả giá rất cao. Phàm trên đời này thứ gì hái ra tiền người ta đâu có tha. Nên cá mập trắng dẫu là hung thần, là sát thủ đại dương hay là gì gì đó cũng… như "ông ba mươi", đang đổ máu, đổ lệ vì… con người!
 
Theo Nguyễn Thành
Công an Nhân dân