1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Thót tim cảnh dân liều mình băng qua đập tràn "tử thần"

(Dân trí) - Mấy chục năm qua, người dân và các em học sinh ở 2 thôn Hòa Phong, Tân Kiều (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định) muốn sang trung tâm xã bên kia sông Kôn phải đi qua đập tràn Đại Bình hoặc qua cầu gỗ rất nguy hiểm.

Bình Định: Thót tim cảnh dân liều mình băng qua đập tràn thủy lợi

Nhiều người bỏ mạng ở đập “tử thần”

Theo UBND xã Nhơn Mỹ, sông Kôn chia cắt 2 thôn Tân Kiều và Hòa Phong với 7 thôn còn lại của xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Để đi lại, người dân các thôn phải đi qua cầu tạm Thị Lựa bằng gỗ đã xuống cấp, xiêu vẹo hoặc qua đập thủy lợi Đại Bình rất nguy hiểm.

Ghi nhận của PV Dân trí, mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại con đập thủy lợi dài khoảng 100 mét, rộng chừng 80 cm, nhiều đoạn cua gấp khúc, nằm chênh vênh trên dòng sông mà không hề có lan can rất nguy hiểm.

Đã có cả chục người dân và học sinh bỏ mạng lại ở con đập tử thần này.
Đã có cả chục người dân và học sinh bỏ mạng lại ở con đập "tử thần" này.

Bà Mạnh Thị Thu (51 tuổi, nhà ở sát đập Đại Bình) cho biết: “Mỗi lần qua đập tràn sợ thót tim, nín thở. Nếu không muốn qua đường này thì phải đi đường vòng cả 10 km rất bất tiện nên nhiều người liều mình băng qua. Lo nhất là người già chân tay lóng ngóng sơ ý là rớt xuống sông, còn một số học sinh qua đập tràn còn nô đùa rất nguy hiểm”.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang (58 tuổi, người trông coi đập tràn Đại Bình), đập được xây dựng khoảng năm 1970, ban đầu chỉ phục vụ cho thủy lợi, không có lối đi. Sau này, nhu cầu đi lại của người dân nên HTX nông nghiệp đã dùng xi măng làm mặt đường bê tông rộng khoảng 0,5 m trên đập tràn. Do mặt đường hẹp, nhiều đoạn cua gấp khúc nên chỉ cần sơ sảy là rơi xuống sông và bị lũ cuốn chết, còn mùa nắng có người tuột dốc rơi xuống đập cũng bị thương nặng.

“Tôi làm ở đây gần 20 năm nay, chứng kiến gần chục trường hợp chết rất thương tâm khi đi qua đập tràn Đại Bình. Gần đây nhất, tháng 12/2016, một học sinh đang học lớp 8 ở địa phương qua đập tràn, sơ ý bị rơi xuống bị nước lũ, mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Thương tâm nhất là ngày mùng 2 Tết âm lịch, chị Đặng Quỳnh N. (24 tuổi), sống ở TP Quy Nhơn về thăm quê nội, đi qua đập tràn này cũng bị rơi xuống sông mắc kẹt ở cửa đập mà chết”- ông Quang nói.

Hàng ngày người dân thôn Tân Kiều và Hòa Phong (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định) phải qua cầu gỗ tạm bợ hoặc qua tràn tử thần
Hàng ngày người dân thôn Tân Kiều và Hòa Phong (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định) phải qua cầu gỗ tạm bợ hoặc qua tràn "tử thần"

Anh Hồ Huy Vũ (thợ sửa xe ngay xát đập Đại Bình) cho biết: “Số người dân và học sinh chết khi qua con đập “tử thần” này cả gần 10 người, còn trường hợp người và xe máy bị rơi xuống sông được người dân địa phương cứu sống thì không thống kê nổi. Bản thân tôi cũng nhiều lần cứu sống học sinh bị rơi xuống nước, vớt xe máy của người bị nạn”.

Dân tự quay video để xin hỗ trợ xây cầu

Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh đã có nhiều vụ chết đuối xảy ra khi dân đi qua đập tràn Đại Bình. Người dân đã nhiều lần phản ảnh, kiến nghị lên chính quyền địa phương, chính quyền các cấp nhưng chưa thấy giải quyết, dù nhu cầu đi lại của hơn 3.000 người dân nơi đây rất bức thiết. Thậm chí, người dân còn tự quay video cảnh người dân bất chấp nguy hiểm qua đập này đưa lên mạng để xin nhà nước hỗ trợ xây một cây cầu cho người dân qua lại an toàn.

Những xe máy chở hàng phải xuống xe dắt bộ nhưng chỉ một sơ sẩy nhỏ là té xuống sông có thể nguy hiểm đến tính mạng
Những xe máy chở hàng phải xuống xe dắt bộ nhưng chỉ một sơ sẩy nhỏ là té xuống sông có thể nguy hiểm đến tính mạng

Ông Đặng Văn Lành, Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết nhiều năm nay người dân liên tục kiến nghị xây cầu kiên cố bắc qua sông Kôn nhưng đến nay vẫn chưa được. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã lập dự án xây cầu vượt lũ từ thôn Tân Kiều bắc qua thôn Thiết Tràng với kinh phí khoảng 83 tỷ đồng (với thiết kế hai làn đường, đủ cho xe tải qua lại) nhưng chưa được cấp trên phê duyệt.

“Trước Tết có thêm 2 trường hợp bị nạn thương tâm khi qua đập tràn Đài Bình nên UBND xã đưa ra đề nghị cắt đoạn bê tông ở 2 đầu đập để người dân không đi lại được. Trước khi làm, địa phương phải lấy ý kiến nhân dân nhưng chẳng có ai đồng tình. Chỉ mong cấp trên sớm phê duyệt triển khai xây cầu bắc qua sông Kôn, đoạn qua xã Nhơn Mỹ để phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như để người dân không còn phải gặp nguy hiểm khi muốn qua sông”, ông Lành nói.

Người dân tha thiết có một cây cầu kiên cố bắc qua sông
Người dân tha thiết có một cây cầu kiên cố bắc qua sông
Nhiều đoạn cua gấp khúc, mặt tràn nhỏ rất dễ bị rơi xuống sông
Nhiều đoạn cua gấp khúc, mặt tràn nhỏ rất dễ bị rơi xuống sông
Đã có hàng chục người dân và học sinh bỏ mạng lại ở con đập tử thần
Đã có hàng chục người dân và học sinh bỏ mạng lại ở con đập "tử thần"

Khoảng 10 tỷ đồng để xây cầu

Ông Bùi Văn Chánh (ở sát đập tràn Đại Bình), nguyên Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cho biết: “Biết đi lại qua đập rất nguy hiểm, các bậc phụ huynh đã cấm con em đi học qua đập này. Tuy nhiên, sợ bị trễ học nên nhiều em vẫn lén cha mẹ đi qua đập Đại Bình cho gần. Sợ nhất là mùa mưa lũ, các cháu đi qua đập và chỉ cần sơ sảy một chút là rơi xuống sông. Nếu không có kinh phí làm cầu kiên cố, chỉ cần đầu tư khoảng 10 tỷ đồng thì người dân xã Nhơn Mỹ cũng có cây cầu an toàn để đi lại, kể cả khi mưa lũ”.

Doãn Công