1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thông xe kỹ thuật Quốc lộ 3 mới đoạn qua Thái Nguyên

(Dân trí) - Sáng nay (13/7), Bộ GTVT đã tổ chức thông xe kỹ thuật đưa vào khai thác tạm thời tuyến chính Quốc lộ 3 mới, đoạn qua tỉnh Thái Nguyên. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới dự và phát lệnh thông xe.

Đoạn tuyến vừa thông xe kỹ thuật thuộc gói thầu PK2 Sóc Sơn - Thái Nguyên (từ Km26+900 đến Km63+800) dài 36,9 km, đi qua huyện Sóc Sơn của Thành phố Hà Nội, huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công và kết thúc tại thành phố Thái Nguyên của tỉnh Thái Nguyên. Đây là đoạn tuyến cao tốc sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đầu tiên được hoàn thành và đưa vào khai thác tại Việt Nam.
 
Đoạn tuyến chính Quốc lộ 3 mới đoạn qua Thái Nguyên đã thông xe sáng 13/7

Đoạn tuyến chính Quốc lộ 3 mới đoạn qua Thái Nguyên đã thông xe sáng 13/7

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên được thực hiện bằng các nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chỉnh phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là 10.004 tỷ đồng trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản: 6.664 tỷ đồng và phần vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài 63,8 km đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên với điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Ninh Hiệp (Hà Nội) giao với QL1A mới. Điểm cuối nối vào điểm đầu của tuyến tránh Thái Nguyên thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 km/h theo TCVN 5729-97.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 2 làm đại diện chủ đầu tư; Tư vấn thiết kế và giám sát: Liên danh Tư vấn NIPPON KOEI - JBSI phối hợp với TEDI. Nhà thầu thi công: toàn bộ Dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp gồm các gói PK1- A; PK1- B; PK1- C và gói thầu PK2.

Qúa trình thi công Dự án được chia làm 2 đoạn chính: đoạn Ninh Hiệp – Sóc Sơn sẽ được khai thác với qui mô 4 làn xe cao tốc với Vmax =100 km/h; đoạn Sóc Sơn – Thái Nguyên sẽ được khai thác với qui mô 4 làn xe cấp I với Vmax = 80km/h.

Khối lượng chính của dự án bao gồm: 63,8 km đường, trong đó có 19 cầu và 6 nút giao khác mức trong đó các Nút giao Tân Lập, Nút giao Yên Bình, Nút giao Phổ Yên đã được Chính phủ Việt Nam, Bộ GTVT, JICA cho phép bổ sung và bắt đầu thi công vào tháng 10/2012 để đảm bảo kết nối với các tuyến đường trong khu vực, nhằm phát huy năng lực khai thác và hiệu quả đầu tư của dự án.

Tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương sự nỗ lực của các đơn vị thực hiện dự án đã hoàn thành gói thầu PK2 vượt tiến độ đề ra. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu, hạng mục còn lại, các nhánh Ramp và các hạng mục phụ trợ… để hoàn thiện và khai thác đồng bộ toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc vào cuối tháng 12/2013.
 
Dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào cuối năm 2013
Dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào cuối năm 2013

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trong quá trình khai thác tạm thời, các phương tiện được lưu thông trên đường bao gồm: xe ô tô con, xe tải nhẹ trọng tải dưới 10 tấn; Các phương tiện không được lưu thông trên đường bao gồm: xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy, nổ, xe quá khổ, quá tải. Vận tốc lưu hành trong thời gian khai thác tạm thời của các loại phương tiện tối đa là 60 km/giờ.

Phân luồng cho các phương tiện lưu thông trên một số hướng chính như sau:

- Đi từ QL3 cũ vào tuyến Đê Chã (Km32+000) đến Nút giao Phổ Yên (Km41+800): khai thác một chiều. Tại Nút giao Phổ Yên có kết nối ra, vào và bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

- Từ Nút giao Phổ Yên (Km41+800) đến Nút giao Sông Công (Km53+000): khai thác hai chiều, có kết nối ra, vào tại Nút giao Sông Công.

- Từ Nút giao Sông Công (Km53+000) đến Nút giao Tân Lập (Km 63+800): khai thác hai chiều, có kết nối vào, ra tại Nút giao Tân Lập nối với tuyến tránh Thành phố Thái Nguyên.

Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đây là một trong 7 tuyến đường cao tốc hướng tâm về Hà Nội, nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải giữa vùng Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Quỳnh Anh