Thông qua Luật Tiếp cận thông tin - một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký ban hành quyết định phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2016 của ngành tư pháp, trong đó có việc Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đấu giá tài sản.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tư pháp, Quốc hội thông qua Luật tiếp cận thông tin là sự kiện pháp lý quan trọng, giúp hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013.

Việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

“Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin còn góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, góp phần nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả”- Bộ Tư pháp đánh giá.

Xếp ở vị trí thứ 2 trong số 10 sự nổi bật năm 2016 của ngành tư pháp là việc Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản - bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế đấu giá tài sản, bảo đảm việc xử lý tài sản khách quan, công khai, minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.

Với việc quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản sẽ góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa, tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Gần 304 nghìn trường hợp được cấp số định danh cá nhân

Việc triển khai phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp số định danh cá nhân đáp ứng các yêu cầu của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, đặt nền móng xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo vệ tốt hơn quyền đăng ký khai sinh của người dân cũng là sự kiện nổi bật trong năm qua.

Cụ thể, để triển khai thi hành Luật hộ tịch và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đảm bảo đồng bộ với các quy định của Luật Căn cước công dân, từ ngày 1/1/2016, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an triển khai và từng bước mở rộng triển khai, áp dụng chính thức Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp Số định danh cá nhân tại Bộ Tư pháp và 12 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nghệ An, Sóc Trăng và Vĩnh Long.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành tư pháp, Bộ Tư pháp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cả 4 cấp chính quyền; là tiền đề cơ bản để triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, đảm bảo sự thành công của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân, đáp ứng các mục tiêu của Đề án 896 mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Bộ Tư pháp cho biết, tính đến ngày 30/12/2016, toàn hệ thống đã ghi nhận hơn 378.676 trường hợp đăng ký khai sinh với gần 303.968 trường hợp đăng ký mới được cấp số định danh cá nhân. Phần mềm được triển khai bảo đảm tính chính xác, kịp thời trong việc đăng ký, khai thác dữ liệu, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích cơ bản của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Ngoài ra, trong số 10 sự kiện nổi bật của ngành tư pháp trong năm 2016 còn có việc lần đầu tiên hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ, đặt dấu ấn quan trọng trong năm kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và công dân;

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có bước tiến mới, bảo đảm tốt hơn yêu cầu về tiến độ, chất lượng, nổi bật là việc thẩm định chùm nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp;

Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, bước chuyển mới trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; Đóng góp quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội cho sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam….

Thế Kha