Thống nhất giao vốn "khủng" đầu tư 3 dự án trọng điểm quốc gia
(Dân trí) - Hơn 78.300 tỷ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương giao cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 - TPHCM.
Chiều 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 3).
Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội, điều hành phiên thảo luận - cho biết, sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương bố trí, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) từ ngân sách Trung ương, giai đoạn 2021-2025; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện danh mục dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao kế hoạch vốn cho 3 dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội quyết định, với tổng mức đầu tư là 78.300 tỷ đồng, gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường vành đai 3 - TPHCM.
Cụ thể, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là hơn 47.000 tỷ đồng; Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hơn 14.000 tỷ đồng; Dự án đường vành đai 3 - TPHCM là hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh giảm KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải hơn 31.000 tỷ đồng để giao về TP Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư của các dự án.
Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án phân bổ chi tiết KHĐTCTH, đảm bảo việc quyết định việc giao danh mục, phân bổ vốn cho từng dự án, bổ sung, điều chỉnh vốn KHĐTCTH phải tuân thủ các thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 29 của Quốc hội về KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc bố trí vốn phải tập trung, không phân tán, manh mún; đảm bảo đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư ở các địa phương phải đảm bảo mục tiêu, hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền quyết định và cam kết không bổ sung vốn ngân sách Trung ương cho các dự án này trong giai đoạn 2021-2025.
Việc thay đổi tên dự án chưa có danh mục báo cáo Quốc hội, điều chỉnh tăng giảm vốn cho các dự án phải báo cáo, không làm thay đổi tổng mức vốn theo cơ cấu, lĩnh vực đã được Quốc hội quyết định. Chính phủ chịu trách nhiệm việc phải điều chỉnh, tăng giảm vốn cho các dự án này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đối với danh mục dự án, mức vốn bố trí cho từng dự án của từng Bộ, ngành, địa phương chưa tuân thủ quy định về số vốn còn lại của KHĐTCTH 2021-2025 chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giao vốn, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải cho biết giao Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục, phương án phân bổ vốn cho từng dự án và phương án phân bổ còn lại cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo nguyên tắc, tiêu chí, quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết 29 của Quốc hội về KHĐTCTH 2021-2025, Nghị quyết 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để phân bổ trước ngày 31/12/2023, sau thời hạn trên, số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung của KHĐTCTH.
"Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, quyết liệt tập trung chỉ đạo công tác chỉ đạo đầu tư, phân bổ vốn; không để tiếp tục ách tắc, chậm trễ kéo dài qua nhiều năm" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.