Chủ tịch Quốc hội: Không quốc gia nào có thể tự giải quyết vấn đề toàn cầu
(Dân trí) - Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và sự bùng nổ của khoa học công nghệ 4.0, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định không có bất cứ quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, chiều 16/9.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị đã thông qua tuyên bố về "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo".
Đây là tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ tổ chức. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong kỷ nguyên chuyển đổi số và sự bùng nổ của khoa học công nghệ 4.0 như hiện nay, không có bất cứ quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề toàn cầu. Và ngược lại những quốc gia dù nhỏ, nghèo hơn thì vẫn còn cơ hội để phát triển.
"Tôi cho rằng trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai không đơn thuần là đường kéo dài của quá khứ. Các nước đang phát triển hay các nước lớn hơn, tất cả đều có thể quay lại điểm xuất phát. Đó chính là cơ hội của chúng ta và tiền đề để chúng ta hợp tác", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam coi trọng và tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các thể chế đa phương.
Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng IPU và các nghị viện thành viên chung tay hành động để hiện thực hóa các mục tiêu, các nghị quyết của IPU nói chung và của Hội nghị Nghị sĩ trẻ nói riêng để không ngừng phát huy các sứ mệnh cao cả và nâng tầm ngoại giao nghị viện.
Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của IPU và sẵn sàng đăng cai tổ chức thêm những hội nghị và cơ chế khác trong khuôn khổ hoạt động của IPU.
Theo đó, Việt Nam có thể sẵn sàng đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Chủ tịch Quốc hội vào năm 2025 và mong được các nước ủng hộ.
Đề nghị thành lập các ủy ban thuộc nghị viện hướng tới tương lai
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Duarte Pacheco, nhấn mạnh thế giới đang gặp nhiều thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
"Trong 7 năm tới, có rất nhiều việc phải làm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả nhân loại. Chúng ta cần quyết tâm thực hiện những điều đã cam kết, các Nghị sĩ trẻ cần trở thành những nhà lãnh đạo, không chỉ là những chính trị gia", ông Duarte Pacheco nói.
Ông cũng cho rằng thế hệ trẻ cần tạo ra thay đổi, thúc đẩy khoa học, đổi mới sáng tạo, dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho công nghệ, nâng cao hiểu biết số, có phản ứng phù hợp để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, các thành viên ban lãnh đạo và ban thư ký IPU luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nghị sĩ trẻ hành động. Vì vậy, thế hệ trẻ cần hành động mạnh mẽ, không bỏ cuộc, chạy đua với thời gian, làm việc chăm chỉ, phối hợp chặt chẽ để quyết liệt triển khai những gì đã cam kết, tạo ra những kết quả đáng tự hào.
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị nhấn mạnh vai trò của nghị sĩ trẻ với việc đưa ý chí và nguyện vọng của giới trẻ tới nghị trường. Trong đó, khẳng định giới trẻ quen với những công nghệ mới, hội tụ đầy đủ giá trị để thúc đẩy các giải pháp mới vì lợi ích của toàn nhân loại, thông qua khởi nghiệp, phát triển công nghệ mới và khai thác trí tuệ nhân tạo (AI).
Bằng cách tạo điều kiện tích cực, chuyển đổi số có thể trao quyền cho công dân, đặc biệt là giới trẻ, tích cực tham gia vào tiến trình chính trị và góp phần định hình các quyết định chính sách.
Đối với các nghị sĩ, những công cụ kỹ thuật số này mang lại cơ hội lớn hơn để kết hợp công việc và cuộc sống riêng tư của họ, đặc biệt là đối với những người có trách nhiệm chăm sóc gia đình.
Để giúp thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG) thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, các nghị sĩ trẻ đã thảo luận và đề xuất nhiều hành động trong tuyên bố chung.
Một trong số đó là cân nhắc việc nghiên cứu thành lập hoặc củng cố các ủy ban thuộc nghị viện hướng tới tương lai, chẳng hạn như Ủy ban tương lai và các cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia.
Việc này giúp nghị viện dự báo và ứng phó với các xu hướng dài hạn hoặc những mối đe dọa tiềm ẩn, đồng thời đảm bảo rằng thanh niên tham gia vào các cơ quan đó.