1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thông Đà Lạt đang chết dần vì lão hóa

Những năm gần đây một số vạt rừng ở Đạ Sa (Lạc Dương) và ngoại ô Đà Lạt bỗng nhiên khô cành trụi lá chết dần. Những vạt rừng chết ấy như vết dầu loang rộng trên diện tích cả chục ha.

Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện có dấu hiệu thông bị khoét ruột lấy nhựa hoặc bị sâu bệnh phá hoại...

 

Sau quá trình dày công nghiên cứu, TS Phó Đức Đỉnh (Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng) nhận định các vạt rừng nói trên “chết tự nhiên” theo quy luật bởi vòng đời đã kết thúc. Ông còn cảnh báo thông Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ bị “lão hóa”: Có đến 13.000 ha rừng thông ở độ tuổi từ 50 – 70, chiếm tới 80% diện tích rừng thông.

 

Trong vòng 20 đến 30 năm tới hầu hết diện tích thông này sẽ già cỗi, ngã đổ, chết tự nhiên hàng loạt gây mất cân bằng môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, khả năng tái sinh tự nhiên của rừng thông vốn rất hạn chế, lại không được trồng thay thế kịp thời.

 

KTS - GS Hoàng Đạo Kính cũng tỏ ra băn khoăn: “Tôi đã đi qua nhiều đường phố mà hầu như chỉ nhìn thấy cây thông, rừng thông từ 50 - 70 tuổi chứ không bắt gặp những cây thông trẻ trung, xanh mượt.  Khi thông già chết đi sẽ không có thế hệ con cháu thay thế và như vậy còn gì là thành phố ngàn thông ?”.

 

Mặt khác, theo cảnh báo của cơ quan hữu trách, ong ăn lá thông (Nesodipprion biremis) có thể phát triển thành dịch ở Lâm Đồng, Kon Tum và Thừa Thiên - Huế. Tại Lâm Đồng, loài ong này đã xuất hiện cách đây 30 năm và gây hại với mức độ nghiêm trọng vào những năm 2003 - 2005 với diện tích lên đến 350 ha.

 

Tỉnh đã cấp kinh phí phun hóa chất Nitox 30 EC chống dịch nhưng chưa thể loại trừ loài ong này ra khỏi rừng thông. Ngoài ra, ở một số khu vực, loại nấm có tên khoa học là Trametespini đang làm cho hàng chục cây thông bị bệnh rỗng ruột.

 

Rất nhiều hiểm họa khác cũng đang đe dọa quần thụ thông Đà Lạt như nạn phá rừng làm rẫy, lấy gỗ; lấn chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng nhà cửa, trồng  rau – hoa, cà phê. 

 

Đến nay, có gần 4.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm (trong khi diện tích rừng thông nội ô trồng mới chỉ có 78 ha !). Rừng ngoại ô  bị  gãy đổ hàng loạt bởi nạn khai thác nhựa hoặc đục thân cây thông để lấy ngo dầu. Hậu quả là, diện tích rừng sụt giảm nghiêm trọng: Những năm 1960-1966 Đà Lạt có tới 90 ngàn ha thông, nay chỉ còn khoảng 14.000 ha.

 

Cách nào phục hồi rừng thông? Theo TS Đỉnh, cần nhanh chóng tiến hành “chặt tái sinh” bằng cách chặt những cây thông cao tuổi (60-70 tuổi) rồi trồng lại để tạo những lớp cây kế cận có chất lượng tốt hơn; đồng thời bảo vệ những cây con sẵn có trong rừng làm cho khả năng tái sinh tự nhiên của những cánh rừng được đảm bảo.

 

Chi phí tái sinh tự nhiên để trẻ hóa rừng thông chỉ bằng 50% chi phí trồng rừng. Với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng có thể trẻ hóa 10 ngàn ha rừng thông trong khi  nguồn gỗ khai thác từ việc “chặt tái sinh” lên đến 1.350 tỷ đồng.

 

Trung tâm Giống lâm nghiệp Lâm Đồng đã thí nghiệm tái sinh tự nhiên rừng thông ở xã Xuân Thọ cho kết quả khả quan: Rừng thông non thế hệ mới có mật độ cao hơn, thân thẳng hơn…

 

KTS Hoàng Đạo Kính hiến kế: Đà Lạt hãy xây dựng truyền thống văn hóa mà chưa ở đâu trên đất nước ta làm được là trồng cây để kỷ niệm ngày vui, tưởng niệm người quá cố: Đôi trai gái cưới nhau trồng 2 cây thông, mỗi đứa trẻ ra đời  trồng 1 cây thông, 1 người thân qua đời trồng 1 cây thông, mỗi du khách trồng 1 cây …

 

Những cây thông được vun trồng bằng tình yêu thương như thế hẳn sẽ rất tươi tốt và phố thị Đà Lạt  bốn mùa vi vút tiếng thông reo.  

 

Theo Kim Anh
Tiền Phong