1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Lắk:

Thôn nghèo não lòng sau cái chết của 4 học sinh lớp 6

(Dân trí) - Thôn nghèo với cờ trắng, khăn tang, tiếng khóc than thảm thiết của người thân khiến khung cảnh quá não lòng. Người dân trong thôn, trong xóm ai ai cũng lau hai hàng nước mắt thương cho các em đang tuổi ăn học đã vội ra đi...

Cuộc cứu hộ… “dập dềnh”

Chiều 14/5, PV Dân trí đã tiếp cận được khu vực hồ thủy điện Sê-rê-pôk 4, nằm trên địa bàn thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn - nơi 4 em học sinh trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Buôn) tử nạn vì đuối nước. Người dân thôn Ea Duất sống gần hiện trường cho biết, khoảng 8h30, họ thấy một nhóm học sinh gần 20 em mặc đồng phục, đi xe đạp ra hồ thủy điện Sê-rê-pôk 4 chơi. Khoảng hơn một giờ đồng hồ sau, một vài học sinh mặt mày tái ngắt hớt hải chạy lên một số nhà dân sinh sống gần hồ thủy điện kêu cứu. Nghe tiếng kê la của học sinh, một số người dân đã lập tức chạy xuống hiện trường bơi ra cứu hộ, dìu các em học sinh gặp nạn vào bờ. Một số người dân trực tiếp tham gia cứu hộ cho biết, cuộc cứu hộ không suôn sẻ, phải 2 đợt cứu người dân mới đưa toàn bộ 6 em học sinh gặp nạn vào bờ.

Nơi 4 học sinh tử nạn.
Nơi 4 học sinh tử nạn.

Chiều 14/5, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng.
Chiều 14/5, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng.

Anh Trần Kim Chiến (22 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An) - một trong 4 người dân trực tiếp cứu nhóm học sinh chết đuối thuật lại: “Khi đó khoảng 9h30, tôi đang ở trong nhà thì mấy đứa học sinh chạy lên kêu cứu: “Chú ơi! Cứu bạn cháu, cứu bạn cháu!”, nghe vậy tôi với mấy người nữa chạy xuống nhìn ra mặt hồ thì các em đã bị chìm sâu dưới nước, không thấy tăm hơi đâu cả. Tôi với 3 người dân địa phương bơi tay ra vùng nước cách bờ khoảng hơn 10 mét thì thấy các em đã chìm sâu cách mặt nước 3 mét, lúc đó không thấy em nào cử động gì cả”.

Theo anh Chiến, trong số gần 20 em học sinh Trường THCS Hồ Tùng Mậu thì có tất cả 6 em học sinh bị đuối nước. Những người cứu hộ sau khi tìm thấy và dìu em học sinh đầu tiên vào bờ, sơ cứu tại chỗ nên em này đã tỉnh táo. Đoàn cứu hộ tiếp tục dìu thêm được 3 em học sinh (em thứ 2, thứ 3 và thứ 4) vào bờ, tưởng đã hết nạn nhân nên mọi người đã đưa 3 em này đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Buôn Đôn.

“Sau khi vớt được 4 em học sinh, chúng tôi hỏi mấy em trên bờ: “Đã vớt thêm được 3 em nữa, hết học sinh chưa? Mấy em học sinh trên bờ nói: “Đã hết rồi”. Nghe nói vậy, chúng tôi tưởng là đã hết nạn nhân nên đưa 3 em học sinh đang hấp hối đi cấp cứu ở bệnh bệnh viện huyện Buôn Đôn”, anh Chiến nói.

Theo anh Chiến, chính vì không rõ bao nhiêu nạn nhân bị đuối nước ở dưới hồ nên sau hơn 1h đồng hồ từ bệnh viện về, thì tá hỏa khi nhận được tin dưới hồ vẫn còn học sinh. “Lúc này tôi bơi ra lần hồ mò xem thử thì kéo thêm 2 em học sinh nữa, cả 2 em đều là nữ. Tôi cố gắng dìu 2 em vào bờ nhưng các em ngụp nước quá lâu nên đã không qua khỏi”, anh Chiến cho biết.

Một số hương hoa tại hiện trường.
Một số hương hoa tại hiện trường.

Người duy nhất thoát chết may mắn trong số 6 em học sinh gặp nạn, em Nguyễn Thị Tường Vy (lớp 6A, Trường THCS Hồ Tùng Mậu) đang nằm cấp cứu tại Khoa cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn. Lúc 16h cùng ngày, mặc dù em Vy đã tỉnh táo, nói chuyện được, nhưng vẫn chưa hề biết các bạn mình đã tử nạn. Em Vy cho biết, sáng cùng ngày, sau khi đến lớp, dọn dẹp xong vệ sinh phòng học, nghe cô giáo chủ nhiệm đọc xong danh sách học sinh giỏi thì cho cả lớp ra về. Sau đó một số bạn học lớp 6E rủ các bạn lớp 6A đi ra vùng hồ nước thủy điện chơi. Thấy nước ở khu vực gần bờ cạn nên một số bạn nam lội xuống khoát nước trêu đùa, nhóm bạn của Vy cũng ùa xuống, đi ra xa khoảng vài mét thì sảy chân xuống một đường mương sâu. Thấy vậy, một số bạn ở gần bờ hốt hoảng bỏ chạy kêu cứu.

Xe đạp của học trò gần hiện trường.
Xe đạp của học trò gần hiện trường.

Đau lòng xóm nghèo

Chiều 14/5, người dân xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết thương tâm của 4 em học sinh Trường THCS Hồ Tùng Mậu. Thôn nghèo với cờ trắng, khăn tang, tiếng khóc than thảm thiết của người thân… khiến khung cảnh não nề đến nao lòng. Người dân trong thôn xóm… ai cũng lau hai hàng nước mắt thương cho các em đang tuổi ăn học mà vắn số.

Ông Lê Văn Sinh (SN 1960, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) - bố của cháu Lê Thị Ngọc Huyền - bần thần: “Khoảng gần 10h, tôi đi làm về thì nhận được điện thoại của người quen báo: “Anh ơi! Lúc nãy em thấy cháu nhà anh đi cùng nhóm bạn vào trong hồ tắm, giờ đã có mấy đứa chết rồi, hình như trong số đó có con gái anh đó”.

Xe đạp của học trò gần hiện trường.
Ông Lê Văn Sinh (SN 1960, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) - bố của cháu Lê Thị Ngọc Huyền chưa tin đó là sự thật.

Nghe vậy ông Sinh tá hỏa cầm điện thoại gọi cho con gái thì đầu dây bên kia trả lời: “Bác ơi, cháu nói bác đừng có buồn… Bạn Huyền đuối nước cấp cứu ở bệnh viện huyện rồi bác ơi…”.

Ông Sinh gạt nước mắt kể tiếp, sau khi nhận được tin dữ, ông liền phóng xe chạy vào bệnh viện huyện Buôn Đôn, lúc đó ông thấy có 3 học sinh đang nằm cấp cứu nhưng trong số đó không có con gái ông. Hốt hoảng, ông Sinh tiếp tục chạy ra khu vực Hồ thủy điện Sê-rê-pôk 4 thì thấy người dân đưa thêm 2 nạn nhân vào bờ. Từ trên bờ chạy xuống mé nước, ông Sinh nhìn thấy con gái mình mặt mày tím tái, hơi thở tắt lịm... “Sau khi tìm thấy thi thể, cháu được đưa về nhà xác bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn. Mấy ngày trước cháu đã thi xong và nghỉ học, nhưng hôm nay nó nói phải lên lớp đi học. Ai ngờ lại dại dột rủ nhau đến hồ chơi để ra nông nỗi này”, ông Sinh đau đớn kể.

Ngô Thế Hòa - bố của em Ngô Thế Hiệp đau xót cầm di ảnh con trai.
Ngô Thế Hòa - bố của em Ngô Thế Hiệp đau xót cầm di ảnh con trai.

Ông Sinh cho biết, Huyền là con gái út trong nhà, ở nhà em ngoan ngoãn, yêu thương, giúp đỡ bố mẹ hết mực. “Từ khi đưa con từ nhà xác về, mẹ cháu cứ ngất lên ngất xuống, rồi ôm riết quan tài con mà khóc than…”, ông Sinh xót xa. Gia đình cho biết, đã thông tin cho anh trai đầu của em Huyền, hiện đang học trung cấp an ninh ở xa về quê chịu tang cho em gái.

Trong 4 em học sinh chết đuối, có lẽ đau đớn nhất là trường hợp của gia đình ông Ngô Thế Hòa - bố của em Ngô Thế Hiệp. Ông Hòa cho biết, sáng 14/5, cháu Hiệp vẫn được chị gái chở đi học bình thường, tưởng là cháu đang học ở trường, nên khi nhận tin dữ, cả gia đình bàng hoàng, dường như không tin đó là sự thật. “Ở nhà, cháu Hiệp rất ngoan ngoãn, không bao giờ đi chơi lung tung, bữa nay cháu đến trường bình thường nhưng ở trường không có học, cháu mới đi chơi lung tung như vậy”, ông Hòa đau đớn.

Ông Hòa cho biết, mẹ cháu Hiệp đang bị u xương cánh tay, vừa phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM và mới đi làm một tuần nay. Trưa 14/5, nhận tin con trai “cưng” chết thảm mẹ Hiệp như người mất hồn. “Từ hồi còn là học sinh tiểu học, liên tục trong 5 năm liền, cháu Hiệp là học sinh giỏi. Học kỳ 2 vừa rồi sau khi thi xong, về nhà cháu khoe với vợ chồng tôi là làm được bài… ai ngờ”, ông Hòa não ruột.

Được biết, bố mẹ em Hiệp đều là giáo viên, gia đình “hiếm” con, Hiệp là con trai út trong nhà, trước Hiệp là một chị gái đang học lớp 11. “Năm 1994, vợ chồng tôi mất một cháu, tưởng sinh được Hiệp, gia đình hạnh phúc hơn, nào ngờ “họa vô đơn chí”, ông Hòa đắng lòng.

Cũng như người thân gia đình em Lê Thị Ngọc Huyền và gia đình em Ngô Thế Hiệp, gia đình em Trần Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Minh Hiền đều chưa tin đó là sự thật, nỗi đau mất con quá đỗi bất ngờ, không ai lường được.

Viết Hảo