1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Thôn nghèo "kẹt" giữa 5 nhà máy

(Dân trí) - Không nghề phụ, không đất canh tác, không có công ăn việc làm! Sống trên đất mỏ mà dân vẫn nghèo. Chuyện thật như đùa ấy đang diễn ra tại một thôn nghèo đất Hà Nam có tới 5 nhà máy.

Một miếng đất, 5 nhà máy chia nhau

Với tổng diện tích là 1,1km2 và nằm gọn trong vùng khoáng sản với trữ lượng khai thác xi măng cực lớn, từ gần chục năm nay, thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trở thành “miền đất hứa” của các dự án và vùng quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.

Theo phản ánh, từ năm 2002, để phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, nhân dân Bồng Lạng đã giao 70% diện tích đất canh tác cho 3 nhà máy xi măng (Hoàng Long, Thanh Liêm, Tràng An) và 1 nhà máy hoá chất.

Với lời hứa sẽ tuyển dụng lao động trong thôn vào làm trong nhà máy và hỗ trợ học nghề… hứa hẹn một ngày nào đó vùng quê được “thay da đổi thịt” nên người dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua đi, “cõng” trên lưng 4 nhà máy đã “định cư” và 1 nhà máy vừa cắm mốc quy hoạch, đất Bồng Lạng không giàu hơn mà người dân chỉ thêm nỗi “cơ hàn”.

Trong 5 năm trời nhưng 4 nhà máy đóng trên địa bàn mới chỉ tuyển dụng được khoảng 50 lao động ở thôn Bồng Lạng vào làm bảo vệ và chưa có nhà máy nào đi vào hoạt động (nhà máy xi măng Hoàng Long mới chỉ hoạt động nhỏ lẻ).
 
Trước tình hình đó, biện pháp “cứu vãn” tình thế của người dân là thâm canh, tăng vụ trên phần diện tích ít ỏi còn lại và tiếp tục vào mỏ làm cái nghề có sẵn mấy chục năm nay là khai thác, chế biến đá.
 
Thôn nghèo "kẹt" giữa 5 nhà máy - 1
Đã hơn 20 năm, dân Bồng Lạng gắn bó với nghề khai thác và chế biến đá

Những tưởng mọi việc chỉ dừng lại ở đó, nhưng theo phản ánh của người dân Bồng Lạng, ngày 14/7/2008, UBND tỉnh Hà Nam ra văn bản số 805/QĐ-UBND thu hồi nốt 30% đất canh tác còn lại để bàn giao cho nhà máy xi măng Xuân Thành. Đặc biệt, thông báo số 11/TB-UBND có ghi là: “Phía Nam giáp đường ĐT49B và núi đá”, trong khi đó phía Nam thôn Bồng Lạng có trên 800 hộ dân sinh sống với nhà trẻ, chợ buôn bán…

Được biết, ngày 4/6/2008, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1054/BXD-VLXD về việc ngừng đăng ký đầu tư các dự án xi măng. Theo đó, UBND 14 tỉnh (trong đó có Hà Nam) không đăng ký đầu tư thêm các dự án xi măng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Tuy nhiên, không hiểu tại sao UBND tỉnh Hà Nam vẫn tiếp tục phê duyệt quy hoạch xây dựng thêm nhà máy xi măng Xuân Thành ở thôn Bồng Lạng? Tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, PV Dân trí đã nhiều lần liên lạc và đến trụ sở UBND tỉnh Hà Nam để đặt lịch làm việc nhưng đều bị từ chối.

Hết đất, đóng cửa mỏ, dân nghèo long đong

Đất đã thu hồi, các cửa mỏ khai thác đã đóng và dự án xây dựng nhà máy xi măng Xuân Thành đã cắm mốc quy hoạch, lại thêm nỗi lo ô nhiễm môi trường khi tất cả các nhà máy đi vào hoạt động khiến cho người dân nơi này hết sức hoang mang, lo lắng và bức xúc về sự việc.

Cho đến thời điểm này, toàn bộ mỏ khai thác đá và diện tích canh tác của người dân Bồng Lạng dành trọn cho 4 nhà máy xi măng và 1 nhà máy hoá chất đóng trên địa bàn. Người dân không còn “tư liệu sản xuất”, họ phải tiếp tục con đường sống “tha phương cầu thực”!

Ông Đ.V.C (Thôn Bồng Lạng) thẫn thờ: “Nhà máy đã cắm mốc quy hoạch, đất đã hết, mỏ đã bị đóng cửa… Ngày mai, chúng tôi làm gì để sống đây?Ai sẽ cứu giúp dân nghèo đây? Người dân chúng tôi cứ hỏi mãi như vậy mà không ai trả lời…”.

Thực tế, sau khi bàn giao 70% đất canh tác cho các nhà máy và chờ đợi cơ hội được trở thành công nhân của khu công nghiệp trên chính quê hương mình, thế nhưng chờ mãi mà người dân nơi này chưa được doanh nghiệp “lưu tâm” đến.

Cuộc sống không thể dừng lại, đối mặt với nỗi lo kiếm cơm, hàng trăm lao động khoẻ mạnh chỉ còn cách “lao” vào các mỏ và “treo mình” trên những dãy núi đá chót vót để kiếm được từ 80 - 150.000 đồng/ngày nuôi sống cả gia đình, số lao động còn lại thì cố sức đi làm thuê, làm mướn tứ xứ.
 
Thôn nghèo "kẹt" giữa 5 nhà máy - 2
Không còn đất canh tác, cửa mỏ đã đóng... dân Bồng Lạng làm gì để sống?

Trao đổi với PV Dân trí về tình hình địa phương, ông Ngô Trung Kỳ (Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị) cho biết: “Chúng tôi chỉ làm theo chủ trương của Nhà nước, chúng tôi cũng không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất và bán đất cho các doanh nghiệp. Các nhà máy cũng hứa sẽ tuyển dụng lao động ở địa phương và hỗ trợ học nghề.

Diện tích đất canh tác giao cho nhà máy xi măng Xuân Thành chỉ có 10 ha nên không thể nói là dân hết đất được. Hiện tại, chúng tôi cũng đang đưa một số dự án nghề về địa phương như: thêu ren, mây tre đan…”

Một điều không thể không nhắc đến ở đây là trình độ lao động. Ở nơi này, người ra ngoài đã đành, còn những người “một tấc không đi, một li không rời” quê hương thì “hiếm” ai có trình độ cấp 3 trở lên.

Chị N.T. T giãi bày: “Học hết cấp 1, cấp 2 thôi, mà bây giờ ai người ta tuyển lao động có “trình độ” đó? Chỉ biết ở quê bám ruộng. Nhưng nay, ruộng cũng hết… biết sống thế nào đây?”

Nghe thiên hạ đồn là ở trong Nam dễ kiếm tiền hơn nên cũng có những người không mải mê với “ước mơ” được làm công nhân trong khu công nghiệp mà chủ động ly hương. Song tha hương luon đi kèm với bộn bề những lo toan khác.

Không nghề phụ, không đất canh tác, không có công ăn việc làm! Sống trên đất mỏ mà dân vẫn nghèo. "Mắc kẹt" giữa 5 nhà máy mà không tìm được nguồn mưu sinh. Người dân Bồng Lạng sẽ long đong đến bao giờ?!
 
Châu Như Quỳnh