1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thời tiết cực đoan, TPHCM chỉ đạo ứng phó nắng nóng, hạn hán và thiếu nước

Q.Huy

(Dân trí) - TPHCM dự báo, xu thế chung về trạng thái El Nino khả năng sẽ chuyển sang pha trung tính từ tháng 4 đến tháng 6. Lượng mưa trung bình thấp đi và nhiệt độ tháng 4, 5 sẽ cao hơn mọi năm.

UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và một số địa phương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn.

Bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo, từ tháng 4 đến tháng 6, xu thế chung về trạng thái El Nino khả năng sẽ chuyển sang pha trung tính, sau đó chuyển sang LaNina khoảng tháng 6 đến tháng 8 và có xu hướng tăng nhanh.

Thời tiết cực đoan, TPHCM chỉ đạo ứng phó nắng nóng, hạn hán và thiếu nước - 1

Những ngày qua, TPHCM trải qua những đợt nắng nóng, oi bức với nhiệt độ trung bình buổi trưa lên đến 40 độ C (Ảnh: Nam Anh).

Lượng mưa từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay thấp hơn lượng mưa trung bình nhiều năm, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời, kết quả số liệu mặn đo đạc thực tế trong tháng 3, trạm mũi Nhà Bè có độ mặn cao nhất là 12,8%, lớn hơn độ mặn cao nhất của tháng 3 năm 2023 và quý I/2023. Dự báo thời gian tới, độ mặn các vị trí khảo sát trên các kênh, rạch chính có xu hướng giảm dần.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc phương án về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn. Cơ quan chuyên môn kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với tình hình thực tế. 

Các quận, huyện, TP Thủ Đức xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho TP Thủ Đức, các quận, huyện và người dân vùng ảnh hưởng. Cơ quan này cần phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vận hành hiệu quả các hệ thống công trình thủy lợi để điều phối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất và đẩy mặn khi có tình huống bất lợi xảy ra. 

El Nino và La Nina được biết đến là hai kiểu khí hậu trái ngược nhau. Chúng đều có chung một mục đích là phá vỡ những điều kiện bình thường xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương.

El Nino thường xảy ra từ 2 đến 7 năm một lần, nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn mức trung bình tại các khu vực xung quanh đường xích đạo ở trung tâm và bờ đông Thái Bình Dương.

La Nina xảy ra khi gió mậu dịch mạnh hơn bình thường, và đẩy nhiều nước ấm hơn về phía châu Á. Cùng với đó, hiện tượng trồi lên của nước biển diễn ra mạnh mẽ ngoài khơi bờ biển phía tây của châu Mỹ, đẩy dòng phản lực về phía Bắc.