“Thời điểm này chưa thể hình sự hóa tội làm giàu bất chính”

(Dân trí) - Đó là quan điểm ông Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - đưa ra tại hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức ngày 13/3.

Ông Phạm Anh Tuấn- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - trả lời báo chí bên lề hội thảo.
Ông Phạm Anh Tuấn- Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - trả lời báo chí bên lề hội thảo.

Bên lề hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - trả lời một số câu hỏi của PV xung quanh việc thu hồi tài sản tham nhũng, xác minh phản ánh về những khối tài sản của quan chức…

Ông có thể cho biết vì sao việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả cao, như nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương cũng đã nói tới?

Ngoài những nguyên nhân đã được đề cập trong nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương, tôi quan tâm đến một số cái chúng ta đang vướng. Cái vướng đầu tiên đó là quy định về thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay của ta đang tản mát, chưa tập trung. Thứ hai, chúng ta cũng nên chăng có một cơ quan hay tổ chức nào đó chịu trách nhiệm đầu mối chính trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thứ ba, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan chức năng phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng quan tâm các hình phạt, áp dụng các chế tài thì cũng cần quan tâm đúng mức hơn nữa đến việc thu thồi tài sản tham nhũng. Thậm chí là cho phép phong toả, kê biên tài khoản, tài sản mà có dấu hiệu tham nhũng để đảm bảo việc thu hồi có hiệu quả. 

Ngoài ra, một nội dung nữa tôi cho rằng chúng ta đang “mắc” hiện nay, đó là các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng của chúng ta chưa có nhiều và chính cái này làm cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay của ta bị hạn chế.

Ông đánh giá thế nào về ý kiến của TS Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp - về việc thời điểm hiện nay chưa thể hình sự hoá tội làm giàu bất chính?

Thời điểm hiện nay chưa thể hình sự hoá hành vi làm giàu bất chính bởi tội này còn liên quan đến nhiều quy định, chứ không chỉ quy định trong mỗi Bộ luật Hình sự được.

Liên quan đến nội dung này, hiện nay đã có Đề án cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đang được Đảng và Chính phủ hoàn thiện sớm. Trên cơ sở đó thì ta mới có thể chứng minh, xác minh được đâu là tài sản làm giàu bất chính. Đối với những tài sản không chứng minh được nguồn gốc có thể coi đấy là tài sản tham nhũng giống như một số nước hiện vẫn đang áp dụng.

Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng chúng ta cần hoàn thiện một số quy định mang tính hệ thống để có thể hình sự hoá hành vi làm giàu bất chính.

Trước Đại hội Đảng, Ban Nội chính Trung ương có tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác về những khối tài sản bất thường của quan chức và các ông đã xử lý thông tin đó như thế nào?

Hiện nay thông tin tiếp nhận của chúng tôi là tương đối nhiều. Chúng ta biết rằng có nhiều thông tin trên mạng xã hội hiện nay, nếu mới đọc chúng ta rất dễ cảm thấy đây là sự thật. Tuy nhiên, để xác định nó có đúng hay không thì ta phải có quy trình xác minh làm rõ bởi một mặt ta phải tích cực phát hiện hành vi tham nhũng, nhưng một mặt ta vẫn phải bảo đảm tự do, danh dự và cũng phải bảo vệ cho những đối tượng trên mạng xã hội nêu. Chúng ta cũng không loại trừ khả năng những thông tin này có động cơ gì đó, vì vậy, việc xác định có hay không phải có quy trình rất chặt chẽ.

Thủ tướng Chính phủ vừa qua có nói rằng các cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác để phản ánh lại các nội dung mà mạng xã hội đã nêu. Vậy ý kiến của ông thế nào khi thời gian qua mạng xã hội có nêu khá nhiều những thông tin về khối tài sản khổng lồ của người này, người kia và Ban Nội chính Trung ương đã xem xét vấn đề này thế nào?

Đối với những thông tin đó phải có quy trình rất chặt chẽ bởi nó liên quan đến danh dự, uy tín của một số đồng chí lãnh đạo. Như chúng ta đã biết có không ít lần trên mạng xã hội thông tin không chính xác nhưng lại không có bất cứ thông tin nào phản hồi cũng như không ai chịu trách nhiệm về cái đó. Chúng ta cần cố gắng làm sao để công tác phòng chống tham nhũng vẫn giữ được uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân.

Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu “Thu hồi tài sản tham nhũng - Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” đã đề xuất nếu người vi phạm nộp tài sản và hoàn lại tài sản tham nhũng thì sẽ được miễn giảm trách nhiệm hình sự, chuyển sang xử lý hành chính. Xin hỏi ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Thực ra đối với hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng thì cái hướng tới đều là tài sản. Nếu nói về công bằng, chúng ta phải tìm mọi cách hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu, thì xem như là hoà, coi như là xong.

Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta cũng như trên thế giới, cũng có ý kiến cho rằng hãy xác định đây là tội phạm kinh tế, nếu khắc phục được hậu quả thì có thể xem xét, miễn trách nhiệm hình sự và đề cao việc khắc phục hậu quả.

Điều này thì không sai, nhưng ở đây nếu chúng ta loại bỏ hình phạt và chúng ta chỉ nhằm đến việc nếu cứ tham nhũng, nếu phát hiện thì thu hồi về, thế là xong, là hoà thì tôi nghĩ tính răn đe sẽ rất thấp, không đủ sức răn đe. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục chứng minh và áp dụng biện pháp xử lý nghiêm khắc với hành vi tham nhũng, cần phải có những biện pháp thu hồi ở mức cao nhất tài sản tham nhũng chứ không thể lấy việc thu hồi hay tự nguyện nộp tài sản để thay thế cho hình phạt, bởi như thế ở Việt Nam là chưa phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha