1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

"Thoát" tử hình nhờ giấy chứng sinh gốc

Bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án tử hình nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo đã trưng ra giấy khai sinh gốc chứng minh bị cáo khi phạm tội vẫn chưa đủ 18 tuổi, cộng với lời khai của nhân chứng là bà đỡ cho bị cáo…

Từ những tình tiết trên, Tòa cấp phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy án, trả hồ sơ để xử lại cho phù hợp.

Rủ rê bạn gây án       

Theo nội dung vụ án, Nguyễn Hồng Nhàn (ngụ huyện Thoại Sơn, An Giang), Nguyễn Văn Thật (SN 1992) và Huỳnh Công Khanh (SN 1993) là bạn học cùng nhau ở An Giang. Sau một thời gian lên sống ở TP, khoảng tháng 8/2009, Nhàn về quê rủ Thật, Khanh lên TP HCM sống lang thang ở công viên Phú Lâm (quận 6).

Do không có tiền tiêu xài, chiều 1/9/2009, Nhàn rủ Thật và Khanh vờ thuê taxi sau đó đi đến chỗ vắng người để giết, cướp tài sản. Sau khi bàn bạc xong, khoảng 23h cùng ngày, cả ba đón xe taxi Vinasun do anh Trần Minh Phương điều khiển. Khi đến đường số 5, thuộc phường Bình Trị Đông (Bình Tân), thấy vắng người Nhàn kêu anh Phương dừng xe. Khi chiếc xe vừa dừng lại, Nhàn dùng tay kẹp cổ anh Phương kéo về băng ghế sau để Thật rút dao khống chế để cướp. Trong lúc bị kẹp cổ, anh Phương cố xoay lưng để thoát thì bị Thật dùng dao đâm một nhát vào lưng bên trái rồi bước xuống xe.

Lúc này, trong xe, Khanh bị anh Phương đạp một phát trúng vào người nên cũng bỏ xuống xe theo Thật. Trong xe lúc này chỉ còn Nhàn và anh Phương, thấy người này chống cự đến cùng, Nhàn liền lấy dao đâm 3 nhát cho đến khi nạn nhân gục xuống ghế. Gây án xong, Nhàn lục túi nạn nhân cướp được chiếc điện thoại và cái ví. Tuy nhiên, lục soát trong ví không thấy tiền, Nhàn bỏ lại trên xe.

Gây án xong, sáng hôm sau, Nhàn bán chiếc điện thoại được 1,2 triệu đồng, đón xe đò cho cả ba về quê rồi chia cho Thật, Khanh mỗi người thêm 100 ngàn đồng. Riêng anh Phương, sau khi Nhàn cùng đồng bọn bỏ đi, anh bấm còi kêu cứu thì được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trước khi nhập viện.

Với hành vi phạm tội như trên, Nhàn và đồng bọn bị truy tố và xét xử về các tội "giết người" và "cướp tài sản".

Giấy khai sinh và giấy chứng sinh không khớp

Theo giấy khai sinh trong hồ sơ vụ án, Nhàn sinh năm 1991 nhưng tại phiên tòa sơ thẩm TAND TP HCM xử cuối tháng 9/2010, mẹ của Nhàn khai, khai sinh gốc của Nhàn là SN 1992 và hiện tại bà vẫn còn giữ tờ giấy khai sinh này. Tuy nhiên, HĐXX đã bỏ qua lời khai này của mẹ Nhàn và sau đó vẫn tuyên Nhàn mức án cao nhất (tử hình), Thật 18 năm tù và Khanh 12 năm tù cho cả hai tội danh trên.

Sau khi bản án được tuyên, Thật và Khanh không kháng cáo, riêng Nhàn có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/2, ngoài gia đình bị cáo, Tòa còn triệu tập nhân chứng là bà Phạm Thị Viết, người đỡ sanh cho bị cáo. Trước tòa, bà Viết khai, bà đỡ sinh bị cáo vào năm 1992, có giấy chứng sinh đàng hoàng. Sau đó, gia đình mới lên xã làm giấy khai sinh lại. Mẹ bị cáo Nhàn thì có lời khai, bà có 14 đứa con, Nhàn là đứa con út. Lúc mới sinh, tên trong giấy chứng sinh của Nhàn là Nguyễn Hồng Nhãn, sinh năm 1992. Đến năm 2007, cha của Nhàn mới đi làm giấy khai sinh lại. Sau 12 năm mới làm giấy khai sinh cho con nên cha Nhàn không nhớ rõ năm sinh nên làm sai và thay đổi tên từ Nhãn sang Nhàn. Thực tế, Nhàn chính là người tên Nhãn trong giấy chứng sinh. 

Thực hành quyền công tố tại Tòa, đại diện VKSND tối cao tại TP HCM cho rằng: Vụ án có nhiều chứng cứ mới chưa được làm rõ như: ngày 21/7/2007 gia đình Nhàn mới làm giấy khai sinh cho bị cáo SN 1991 trong khi gia đình cung cấp giấy chứng sinh của bị cáo lại SN 1992, nhân chứng Viết cũng có lời khai bị cáo SN 1992… đây là những chứng cứ mới cần giám định, điều tra lại nên cần thiết phải hủy một phần bản án, tuyên phạt bị cáo Nhàn tử hình.

Đồng quan điểm với Viện, HĐXX nhận định bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Nhàn tử hình nhưng chưa xem xét, đánh giá toàn bộ chứng cứ (lời khai nhân chứng Viết, giấy chứng sinh…)… dẫn đến vụ án vẫn chưa làm rõ. Những vấn đề này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên cần thiết hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại mức án cho phù hợp.
 
Ngoài vụ án này, trước đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã gặp nhiều vụ án tương tự. Như vụ Huỳnh Quyết Tâm (SN 1990 ngụ Tây Ninh) bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt tử hình về tội "giết người". Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm lần thứ 1 vào tháng 11/2009, cha Tâm lại trưng ra một bản sao giấy khai sinh thể hiện bị cáo sinh năm 1991 (tức thời điểm gây án bị cáo này chưa đủ 18 tuổi). Phiên tòa phải tạm hoãn để xác minh lại.

Phải đến phiên tòa phúc thẩm lần thứ 3 xử vào tháng 9/2010, sự thật mới được làm sáng tỏ. Lần này, dựa vào nhiều hồ sơ chứng cứ như CMND, học bạ, hộ khẩu… của bị cáo và người đỡ sinh cho bị cáo đều thể hiện bị cáo SN 1990… Từ đó, HĐXX đã bác đơn kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt tử hình đối với bị cáo Tâm.

 
Theo CAND

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm