1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thoát chết ở vùng gần tâm chấn

Liên lạc với một số bạn sinh viên đang sống và học tập ở Aomori, khu vực gần thành phố Sendai (Nhật), nơi bị động đất và sóng thần tàn phá nặng nề nhất, họ kể lại những trải nghiệm kinh hoàng trong thảm họa.

Thoát chết ở vùng gần tâm chấn - 1
Hai con tàu lớn bị sóng thần đánh bay vào bờ tại Aomori.
 
Trần Việt Hà (sinh viên Đại học Aomori Chuo Gakuin thuộc tỉnh Aomori):

Chưa bao giờ sợ đến vậy

Trưa 11/3, tôi và bạn cùng phòng vừa ăn trưa về phòng ở tầng 7 ký túc xá thì cảm nhận tòa nhà đang rung. Hai ngày trước chỗ chúng tôi cũng có động đất nhẹ nên cứ nghĩ lần này cũng giống hôm trước mà thôi. Nhưng không ngờ càng lúc tòa nhà rung càng mạnh. Sợ quá chúng tôi lao ra ngoài hành lang.

Tòa nhà rung dữ dội đến nỗi tay vịn của cầu thang rung lắc liên hồi, sàn cầu thang cũng vậy. Tôi chạy mà cứ thoáng nghĩ không biết mình có thoát ra khỏi tòa nhà kịp không.

Lúc này chúng tôi mới nhận ra mình không kịp mang theo bất cứ thứ gì (thông thường phải mang theo giấy tờ tùy thân, quần áo ấm vì đang là mùa đông), ngay cả đôi giày cũng không kịp xỏ vào, trên người chỉ có mỗi bộ quần áo ngắn.

Càng xuống thấp, cầu thang càng đông người, tiếng la hét làm náo loạn hết cả cầu thang càng làm chúng tôi hoảng sợ. Chúng tôi có mặt ở ngoài sân trường, nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng -5OC đến -3OC, trên người chỉ có bộ quần áo cộc, chân đất, tuyết rơi.

Tinh thần chúng tôi càng hoảng loạn khi nhìn thấy tòa nhà lắc lư, người thì run lập cập vì lạnh và sợ. Toàn trường cúp điện, nước. Khoảng 20-30 phút sau tòa nhà bớt lắc, chúng tôi quay về phòng. Lúc này đã kịp mặc thêm quần áo, lấy giấy tờ tùy thân, cho một ít đồ cần thiết vào balô nhưng chưa kịp xỏ giày thì tòa nhà lại rung. Lần này mạnh hơn lần trước.

Tôi và cô bạn chỉ kịp vơ đôi giày và lại chạy ra cầu thang bộ để xuống đất. Trong suốt hai giờ ngồi ở sân chờ, chúng tôi quan sát thấy tòa nhà chuyển động liên tục. Có những lúc như chực đổ xuống làm tất cả mọi người hoảng sợ nháo nhào lên.

Điện thoại chẳng thể nào liên lạc được, đến khi có tín hiệu tôi gọi về Việt Nam nhưng chỉ kịp nói với bố mẹ là “bên này bọn con đang bị động đất mạnh lắm...” thì tắt ngóm.

Cả khu ký túc xá của trường tối đen như mực. Toàn bộ 12 sinh viên Việt Nam lúc này dồn vào một phòng ở lầu 7, mang theo thức ăn, nước uống. Ai cũng mặc sẵn quần áo ấm, giày, giấy tờ tùy thân phòng khi có chuyện gì còn biết ai là ai...

Mạng điện thoại đã hoạt động được, chúng tôi xem tivi trực tuyến trên điện thoại di động mới biết có sóng thần tàn phá nặng nề khu vực này. Động đất đến 8,9 độ Richter, kinh khủng quá! Trong hơn ba năm học ở đây chưa bao giờ tôi trải qua cảm giác hoảng sợ như vậy. Có người ôm nhau khóc.

Không ai dám ngủ vì sợ không kịp chạy ra ngoài. Tôi nhắn tin thông báo tình hình về Việt Nam suốt đêm. Từ hôm qua đến giờ tôi chạy lên xuống tòa nhà không dưới 20 lần mà dường như không có cảm giác mệt vì nỗi sợ lấn át hết.

Cả ngày nhóm sinh viên Việt Nam lo lắng lắm, chưa biết tình hình sẽ thế nào vì xem tin tức thấy hơn 1.000 người chết và mất tích, đường phố, nhà cửa đổ sụp, cửa hàng đóng cửa... May là chúng tôi có trữ thức ăn, nước uống nhưng không biết đến bao lâu mới hết vì truyền hình thông báo có thể vẫn còn sóng thần.

Ngọc Hoa (du học sinh Việt Nam ở Aomori):

Chỉ nghĩ mình sẽ chết
Thoát chết ở vùng gần tâm chấn - 2
Chờ đợi trong cảnh mất điện ở một trung tâm sơ tán tại Sendai.

Tôi đang ở trong phòng ký túc xá tầng 5 của trường đại học thì cơn động đất đầu tiên xảy ra khoảng 14g40. Đến Nhật bốn năm rồi và cũng trải qua nhiều cơn động đất nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cơn chấn động kinh khủng đến thế.

Vài ngày nay tôi đã có những dự cảm không lành, vì trước đó hai ngày có các cơn chấn động nhẹ khoảng 4 độ Richter diễn ra nhiều lần trong ngày.

Chấn động rất lớn, nền đất giật mạnh, ký túc xá rung lắc, tường nhà kêu to răng rắc, sách và đồ đạc trên kệ rớt ụp xuống nên tôi hoảng sợ tìm cách chạy ngay xuống đất. Lúc đó đầu óc tôi trống rỗng, chỉ nghĩ mình có thể sẽ chết ở đây.

Khi thoát ra sân, tôi thấy tất cả thầy cô và nhân viên người Nhật đã chạy hết ra ngoài. Trời rét căm căm, mọi người lo lắng trao đổi cùng nhau và gọi điện thoại hỏi thăm người thân. Mười phút sau, trận động đất thứ hai diễn ra với chấn động dữ dội và kinh khủng hơn trận đầu.

Sau cơn địa chấn, toàn bộ thành phố bị cúp điện, cúp nước, đồ ăn dự trữ còn rất ít, các cửa hàng và siêu thị không còn hàng cung cấp. Du học sinh chúng tôi dù không ảnh hưởng nhiều nhưng tinh thần hoang mang và rất hoảng sợ.

Đêm 11/3, chúng tôi tập trung lại, ai còn gì góp nấy, chia sẻ bữa tối khiêm tốn mà nhà trường cung cấp và động viên nhau cùng vượt qua khó khăn. Internet chập chờn, điện thoại sắp hết pin và hoàn toàn mất sóng, không thể liên lạc được, tôi chỉ sợ gia đình không gọi được sẽ đứng ngồi không yên.

Đến sáng 12/3 dư chấn vẫn xảy ra liên tiếp, cứ 1-2 giờ lại rung nhẹ. Dù mệt mỏi, chúng tôi vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng chạy ra ngoài nếu tình hình xấu đi. May mắn trường tôi tọa lạc trên khu đất cao và ở xa biển nên không có nhiều thiệt hại nặng nề.

Người dân Nhật, nhất là những người sinh sống gần biển, còn khó khăn nhiều hơn: nhà bị sập, xe cộ trôi vì sóng thần, hỏa hoạn xảy ra nhiều nơi, người mất tích và chết phần lớn là các cụ già. Nhiều người phải trèo lên nóc nhà trong thời tiết lạnh giá vì nước ngập. Công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn.

Trong thành phố, toàn bộ các tuyến tàu điện đều bị hoãn, nhiều người không về nhà được trong thời tiết giá lạnh. Giao thông hỗn loạn, kẹt xe trên rất nhiều tuyến đường.

Cả đêm 11/3 thật sự tôi không nghĩ gì nhiều cho mình, chỉ sợ gia đình không liên lạc được sinh lo lắng. Sống trong cảnh này mới thấy thật không đâu bằng Việt Nam cả. Hiện giờ khi tôi đang trả lời phỏng vấn, dư chấn vẫn còn và không biết tiếp theo sẽ như thế nào nên luôn trong tâm trạng thấp thỏm.

Dù tôi và mọi người xung quanh vẫn an toàn nhưng thấy nhiều vùng gần đây bị sóng thần tàn phá, hỏa hoạn, di dời giữa biển nước trong thời tiết lạnh giá qua tivi mà thấy thương tâm cho nước Nhật quá.

Mọi người ai cũng nói hay về Việt Nam cho rồi, nhưng tôi cảm giác bản thân mạnh mẽ, cứng rắn hơn nhiều sau trải nghiệm này. Vẫn còn sống và bình an là một sự may mắn lớn.

Theo Trúc Quỳnh - Lê Nam
Tuổi Trẻ