1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thịt lợn tồn dư hormon là có thật

Ngày 5/12, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam đã công bố kết quả khảo sát 86 mẫu máu lợn khi giết mổ tại TPHCM, phát hiện gần 20% chứa beta agonist - chất có thể gây tai biến tim. Các nhà khoa học cũng khẳng định: "Nếu đã có trong máu, chất này chắc chắn có trong thịt lợn".

Theo TS Lã Văn Kính - Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam: "Trong 428 mẫu thức ăn gia súc, có đến 47 mẫu dương tính với hormon kích thích tăng trưởng họ beta agonist, phổ biến nhất là Clenbuterol - một loại hormon đã bị Bộ NNPTNT nước ta cấm sử dụng từ năm 2002. Nhiều nhất là thức ăn cho lợn (96,5%), còn lại là thức ăn cho gà (3,5%).

Đối với thức ăn cho lợn, một số nước chỉ phát hiện thấy hormon tăng trưởng cho lợn thịt ở giai đoạn vỗ béo. Còn ở VN, chất này được phát hiện trong thức ăn của các loại lợn, từ lợn con sau cai sữa đến lợn nái. Loại được dùng nhiều nhất là Clenbuterol và Salbutamol với hàm lượng khá cao.

Beta agonist có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Một phần Clenbuterol bị bài tiết và chuyển hoá, phần lớn tồn dư trong cơ và các cơ quan khác như gan, thận.

 

Người ăn những sản phẩm chế biến từ những vật nuôi này có thể bị tổn thương phổi và các chức năng của tim.

 

(TS Lã Văn Kính)

Viện cũng đã tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên tại chợ ở TPHCM 2 mẫu thận và 3 mẫu thịt lợn để xét nghiệm. 1 mẫu thận có tồn dư Clenbuterol cao gấp 60 lần tiêu chuẩn quốc tế đối với thận bò, ngựa; 1 một mẫu thịt có hàm lượng Salbutamol cao hơn 3 lần chuẩn quốc tế cho thịt bò, ngựa. Theo quy ước quốc tế, hormon họ beta agonist không được phép còn tồn dư trong thịt lợn.

Cuối tháng 8, viện cũng phân tích mẫu máu của 86 con lợn tại một lò mổ ở TPHCM, kết quả là gần 20% dương tính với beta agonist, hàm lượng rất cao. Do có mối tương quan tỉ lệ thuận rất chặt chẽ giữa hàm lượng hormon trong máu trước khi giết mổ và trong thịt, nên chắc chắn có beta agonist trong thịt.

Theo TS Lã Văn Kính, nhiều chủ trại chăn nuôi lợn trực tiếp trộn hormon xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia vào thức ăn. Khi sử dụng hormon, lợi ích của người chăn nuôi tăng lên rõ rệt. Lợn lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn nên lợn có hình dáng đẹp hơn, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn và giá  bán sẽ cao hơn 1.000 - 1.500đ/kg.

Chỉ có người tiêu dùng là bị thiệt hại - ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN nhận định. VN chưa phát hiện người "có vấn đề" khi ăn thịt lợn còn tồn dư hormon, nhưng năm 1995, ở Italia có 16 người ngộ độc sau khi ăn thịt bò chứa Clenbuterol.

Theo Quang Duy
Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm