1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thịt chó, đá cây tung hoành chờ tiêu chảy cấp

(Dân trí) - Bất chấp những mệnh lệnh siết chặt an toàn thực phẩm dành cho thịt chó và đá cây của Sở Y tế Hà Nội, không khó khăn để nhận ra rằng những mặt hàng trên vẫn đang được bày bán ngang nhiên hoặc lén lút.

Thịt chó “khều, gọi”

Kể từ ngày 30/10, khi dịch tiêu chảy cấp bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc thì mắm tôm bị đưa vào “danh sách đen”. Dân nhậu Hà thành e dè với “cầy tơ bảy món”, khiến làng mổ chó Cao Xá Hạ (Hoài Đức, Hà Tây) một phen lao đao chưa từng thấy. Nhưng ngày ngày vẫn có những chuyến xe rước thịt chó từ nơi đây vào nội thành Hà Nội để thỏa mãn cơn nghiền “giải đen” của đám nhậu.
 
Anh T, một trong những hộ dân “hóa kiếp” chó của ngôi làng này ngậm ngùi cho biết: giá thịt chó hơi từ ngày vận đen dịch tiêu chảy cấp đến giờ, hàng họ chậm hẳn. Theo người này, đơn đặt hàng của hầu hết các gia đình làm nghề này tại làng chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Giá mỗi cân thịt chó cũng sụt thê thảm: 40 nghìn một cân chó sống, 50 một cân chó nướng, giảm hơn 10 nghìn so với trước thời điểm xảy ra dịch.
 
Và ngay giữa thủ đô Hà Nội, việc mua thịt chó không rõ nguồn gốc cũng không mấy khó khăn. Giữa giờ trưa ngày 26/4, tại chợ Âm Phủ phía đối diện TAND thành phố Hà Nội, khu vực bán thịt chó nằm ngay phía đầu chợ giáp đường Lý Thường Kiệt. 6, 7 người đàn bà nằm ngồi lộn xộn trên những sạp hàng ép gạch men trắng trống hoác nhưng vẫn hoen màu mỡ và tiết động vật.
 
Thấy tôi dừng lại, một chủ sạp hàng ngồi bật dậy khều tay: “mua thịt chó hả em?”. “Bán cho em một cân chó béo, phải có kiểm dịch đàng hoàng nhé”. “Chó béo à, có ngay nhưng cần hàng kiểm dịch thì đố em bói ở đâu ra đấy”, chủ hàng khẽ nheo mắt trước khi lấy từ dưới sạp một túi to đựng thịt chó…
 
Thịt chó, đá cây tung hoành chờ tiêu chảy cấp - 1
 
Sạp hàng bán thịt chó trống hoác tại chợ Âm Phủ, nhưng cần thì luôn sẵn (ảnh: Phúc Hưng)
 
Chiều cùng ngày, chúng tôi có mặt tại đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai). Suốt dọc dãy phố bám theo con kênh Kim Ngưu là hàng chục quán “thịt cầy thơm ngon”. Phía trước các quán này luôn có hai, ba thanh niên ngồi ngáp vặt nhưng mắt luôn dõi ra phía mặt đường, chỉ trực lao ra mời chào mỗi khi có xe máy chạy chậm qua. Thời buổi khách vắng, nhân viên các quán thịt cầy vẫn chưa hết vất vả. Tấp xe vào một quán phía đầu cầu Vĩnh Tuy hỏi mua thịt chó, chủ hàng hươ hươ tay: “thích mua bao nhiêu cũng có hết, 70 nghìn một cân”.

Dạo một qua các khu vực “cầy tơ bảy món” trứ danh của đất Hà thành vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh nhân viên quán đứng ra chào mời thực khách. Dừng xe hỏi một chủ quán trên đường Nhật Tân về quyết định cấm bán thịt chó chưa qua kiểm dịch người này lắc đầu không biết. Khi hỏi về “loại thịt chó có kiểm dịch”, các chủ quán đều lắc đầu quầy quậy nhưng vẫn đảm bảo chắc nịch rằng thịt chó nhà mình đảm bảo vệ sinh.

Trước ống kính mảy ảnh, các nhân viên làm nhiệm vụ đón lõng khách hàng trên tuyến đường này, không ai bảo ai, đều nhanh chóng xếp ghế, thu bạt đi vào trong nhà!

Trời này mà không đá thì… vất

Sau rất nhiều lời cảnh báo từ phía các chuyên gia y tế về nguy cơ mắc tiêu chảy cấp từ đá cây không đảm bảo vệ sinh, việc mua bán sử dụng đá cây không rõ nguồn gốc tại Hà Nội cũng không có gì khác so với thời điểm trước khi xảy ra dịch.

3 giờ chiều ngày 28/4 tại một quầy bán nước đá trên phố Lò Đúc, bà chủ quán với bộ mặt buồn so ngồi đợi khách. Bên cạnh, từng đống đá cây xếp ngang dọc cao ngồn ngộn. Một phụ nữ đi xe Attila tấp vào, mua vội một cây và rồ ga chạy thẳng. Một lái xe ôm gần đó cho biết, cửa hàng bán đá cây tại đây luôn đông khách. Mỗi cân có giá 2.000 đồng, đá cây 1,2m có giá chừng 80 nghìn đồng.

Tại một quán nước trên phố Hàng Điếu, bà chủ quán luôn tay dùng con dao phay lưỡi răng cưa đập những nhát trời giáng xuống cây đá đặt ngay trên nền đất. Bên cạnh, hàng chục khách hàng vẫn tỉnh bơ ngồi hút thuốc và nuốt ừng ực từng cốc nước trà đá. “Trời hanh nóng, người uống nhiều như thế, đá đặt ở nhà sao đủ. Không dùng đá cây bên ngoài thì tôi biết lấy ở đâu?”, bà chủ quán nói thế trước lời ướm hỏi của một vài khách hàng về chất lượng vệ sinh của đá.
 
Tại một quán nước khác ngay gần cổng Bộ Y tế trên phố Giảng Võ, bà chủ quán luôn tay vốc từng vốc đá bỏ vào cốc nước cho khách. Khi được hỏi về nguồn gốc số đá kể trên, người này không ngần ngại cho biết: “đá này tôi đặt từ một hiệu đá cây ở phường Vĩnh Tuy, chất lượng vệ sinh thì họ phải chịu trách nhiệm chứ tôi chỉ mang về phục vụ khách”.
 
Đây cũng là lý lẽ của rất nhiều chủ quán nước trên địa bàn Hà Nội trong những ngày này. Và tất nhiên, khi hỏi rằng có biết lệnh cấm của thành phố hay không, họ đều nói có nhưng khi hỏi về địa điểm bán đá cây có chứng chỉ vệ sinh, họ đều nói không biết.
 

Ngày 24/4, Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố Hà Nội có công văn số 981/SYT-BCĐ về việc tăng cường VSATTP, phòng các bệnh qua thực phẩm. Theo đó, Ban chỉ đạo VSATTP thành phố đề nghị Ban chỉ đạo VSATTP các quận, huyện chỉ đạo phối hợp liên ngành và Ban chỉ đạo VSATTP các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các nội dung sau: Nghiêm cấm kinh doanh tiết canh chế biến từ gia súc, gia cầm; Nghiêm cấm sử dụng đá cây đối với giải khát; Kiên quyết xử lý và tiêu huỷ đối với các cửa hàng kinh doanh thịt chó không có nguồn gốc và không qua kiểm dịch thú y…

 
Thanh Hòa