Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung: Không nên mở quyền điều tra cho cơ quan thuế
(Dân trí) - “Ngành thuế, chứng khoán không có lực lượng, nếu điều tra dẫn tới nhiều bất cập, không có chất lượng. Do vậy, không nên giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội nói.
Cho ý kiến đầu tiên vào dự án luật, đại biểu, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội nói: “Quan điểm của cá nhân tôi là không nên mở rộng bổ sung quy định giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho một số cơ quan này”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đưa ra hàng loạt lý do để bảo vệ quan điểm của mình như theo định hướng cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, cần phải dần thu gọn cơ quan điều tra, vì vậy việc mở rộng cơ quan điều tra là không cần thiết. Ngoài ra, theo quyết định 92 của Bộ Chính trị từ nay đến 2020, giữ nguyên hệ thống cơ quan điều tra như hiện nay. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, khi có yêu cầu điều tra liên quan đến lĩnh vực trốn thuế hay lĩnh vực chứng khoán, các cơ quan điều tra đều có quyền ra quyết định trưng cầu chuyên gia.
Qua thực tế, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, phát hiện tội danh chứng khoán phần lớn do nội bộ hoặc bằng biện pháp nghiệp vụ. Bên cạnh đó lĩnh vực trốn thuế, chứng khoán liên quan đến công tác quản lý, điều hành trực tiếp của cán bộ thuế với doanh nghiệp, cũng như các hộ kinh doanh. Do vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung để cơ quan điều tra ở các cơ quan này không đảm bảo tính khách quan.
Ngoài ra, theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, nếu tổ chức cơ quan điều tra tại các cơ quan này cần phải có lực lượng điều tra am hiểu pháp luật, am hiểu quy trình tố tụng và luật hình sự. “Các cơ quan này không có lực lượng đó. Do vậy việc tổ chức như vậy sẽ nhiều bất cập, không có chất lượng. Quan điểm của cá nhân tôi là không nên tổ chức mở rộng cơ quan điều tra các lực lượng này”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nêu rõ quan điểm.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình với việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Riêng Bộ Công an bổ sung thêm Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao và Cục Chống buôn lậu.
“Tôi cho rằng, bổ sung 5 cơ quan này sẽ giúp cho cơ quan điều tra khác phát hiện tội phạm kịp thời hơn, nhanh chóng hơn. Quy định mở rộng cơ quan điều tra là cần thiết và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
Người tiếp theo ý kiến về vấn đề lại này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại không đồng tình với việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đại biểu lo ngại các cơ quan này thực hiện công tác điều tra, thực thi pháp luật liệu có đảm bảo chuyên sâu hay không.
Một vấn đề nữa đại biểu Vinh đặt ra, các cơ quan này không có đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp nên kỹ năng làm hồ sơ kém. “Không có nghiệp vụ điều tra chuyên môn, khi chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra rất nhiều khả năng sẽ phải củng cố lại từ đầu. Mặt khác đây là vấn đề năng lực tổ chức hoạt động điều tra, làm rõ bản chất vụ việc chứ không thuần túy chỉ là vấn đề chuyên môn của các ngành hành chính này”, đại biểu Trần Ngọc Vinh phân tích.
Ngoài ra, đại biểu còn lo ngại nếu chỉ bổ sung 3 cơ quan Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, còn nhiều cơ quan khác thì sao. Đại biểu Vinh đưa ra ví dụ như lĩnh vực tài nguyên môi trường, an ninh mạng và một số lĩnh vực khác hiện nay cũng có nhiều tội phạm liên quan.
“Nếu bổ sung thêm sẽ tăng đầu mối cơ quan điều tra, điều này không đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Trong khi đó hiện nay, cơ quan công an vẫn đảm bảo thực hiện tốt chức năng này”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói thêm.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều người rất sợ người vừa có quyền hành chính, lại vừa có quyền tư pháp. Vì có thể những người này sẽ dùng quyền tư pháp thực hiện quyền hành chính. Thực tế, qua giám sát oan sai và nhiều năm khảo sát, đại biểu thấy có tình trạng các cơ quan tiến hành thủ tục điều tra (ngoài lực lượng công an nhân dân), thường sử dụng triệt để biện pháp hành chính, do vậy có nguy cơ bỏ lọt hành vi phạm tội nhiều hơn.
Vì vậy, theo đại biểu Đỗ Văn Đương, không nên mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra như thuế, Ủy ban Chứng khoán. Đại biểu đồng tình với quan điểm giữ nguyên các cơ quan được tiến hành điều tra như hiện nay. Tuy nhiên, do tội phạm công nghệ cao ngày phát triển nên đại biểu Đương ủng hộ quan điểm để Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao được tiến hành điều tra, hỗ cơ quan tiến hành điều tra chuyên trách.
Quang Phong