Thiếu tá già nặng lòng với nhã nhạc cung đình Huế
(Dân trí) - Hơn 30 năm nay, nói đến nhã nhạc cung đình Huế là người ta nhắc tới ông Phạm Bá Diện, một thiếu tá về hưu. Ở tuổi 90, ông vẫn ngày ngày đạp xe đi truyền dạy và sưu tầm lại những bài ca cổ bị thất truyền.
Người dân ở làng Phò Trạch, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế phong ông là “người giữ hồn nhã nhạc” của làng quê.
Nhã nhạc là máu thịt
Giữa khung cảnh làng quê yên ả và đẹp như bức tranh thêu, bóng một cụ già tóc hoa râm ngồi giữa gian nhà, vầng trán rộng, đôi mắt xa xăm nhìn qua song cửa, cầm cây nhị xướng lên giai điệu của bài “Tam luân cửu chuyển”. “Điệu này đúng lẽ ra phải hát trong những dịp trang trọng, đây là một trong hai bài cơ bản của nhã nhạc cung đình Huế”, ông lão nói.
Nhìn ông hăng say với cây trống, cây nhị, bà Trần Thị Sả, người bạn đời của ông, cười móm mém: “Từng ấy tuổi rồi mà cứ ham, ngày nào cũng thế, vui buồn gì ông cũng cầm đàn xướng nhị…”.
89 tuổi, đôi mắt thâm sâu toát lên vẻ từng trải, bất cứ câu chuyện nào với khách cũng được ông Phạm Bá Diện lái sang đề tài cổ nhạc. Trong kí ức của người lính già đã ở tuổi gần đất xa trời, chiến tranh là một kí ức khủng khiếp đầy bi tráng. Đứng trong quân đội với cấp hàm thiếu tá, ông luôn là người chỉ huy vui vẻ và đầy chất nghệ sĩ.
Ông Phạm Bá Diện đắm chìm trong một bản ca cổ.
“Thời ấy chiến tranh ác liệt, anh em bộ đội mình khổ lắm nhưng được cái tinh thần luôn vui vẻ. Tổ chức văn nghệ thì ai có “đặc sản” gì thì diễn nấy. “Thằng” ở Nghệ Tĩnh thì Hò sông La, “thằng” ở Bắc Ninh thì xướng quan họ. Riêng có tui là “chơi độc” nhất: nhã nhạc cung đình Huế. Thể loại này cực kì khó nghe, đòi hỏi phải có không gian và khí cụ đầy đủ nhưng với tinh thần “lấy thiếu thốn làm no đủ”, tui cứ thế mà hát, anh em vỗ tay rầm rầm, nhiều người ở Huế nghe xong còn khóc vì nhớ quê” - ông Diện bồi hồi nhớ lại.
Sinh ra trong một gia đình có học thức, ông Diện được tiếp cận với nhã nhạc từ nhỏ. Lúc ông còn đi học, gia đình đã thuê hẳn một thầy về dạy nhã nhạc tại gia. “Hồi đó học mê lắm, lúc đó nhã nhạc cũng đang thịnh hành nên trẻ con người lớn chi đều phải biết, học không biết chán”, ông kể.
Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Phạm Bá Diện đeo ba lô lên đường ra chiến trường làm nhiệm vụ, mang theo làn điệu nhạc cổ của quê hương vào quân đội. Ông kể rằng thời gian trong quân ngũ là hăng say nhất, nhờ có nhã nhạc mà kết được nhiều bạn, rồi cũng nhờ đó mà ông được vinh dự gặp Bác Hồ hai lần vào các năm 1954 và 1962.
“Ông bầu” U90
Rời quân ngũ trở về, ông quyết định đầu tư toàn bộ thời gian, tâm huyết và sức lực cho niềm đam mê cổ nhạc. Ông bảo rằng “nhã nhạc đã trở thành máu thịt của ông, ăn sâu bám rễ rồi nên giờ nhất định phải theo đuổi đến lúc nào nhắm mắt mới thôi, phải cứu lấy những giá trị đang bị mai một dần”.
Từ sau ngày nghỉ hưu, ông Diện thường đạp xe lang thang đến các ngôi làng cổ, tìm đến các thư viện rồi gặp các cụ cao niên để tìm hiểu, sưu tầm và ghi chép lại tất cả những làn điệu ca cổ Huế đã bị mai một. Ông bảo mỗi lần đi đâu đó, nghe được một bản cũ bị “đánh rơi” đâu đó là lại có cảm giác vui không bút nào tả xiết. Ông tìm cách ghi lại rồi về chong đèn thâu đêm mày mò phục chế và xướng lại đúng nguyên bản, viết thành sách bằng chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ.
Không dừng lại ở “đóng sách” nhã nhạc, từ ngày về làng nghỉ hưu, người ta lại thấy ông hăng say trong các dịp lễ tết, hội hè. Ông là cây nhị có tiếng trong giới cổ nhạc Huế, hễ nghe thấy đâu có ma chay, lễ tết gì thì nhất định ông phải có mặt. Ông bảo rằng đó là cách để mình “truyền lửa nhã nhạc”.
Từ nhiều năm nay, cứ chiều đến, ba bốn chục đứa trẻ lại tập trung tại sân nhà ông để tham dự lớp học nhã nhạc do ông chủ xướng. Trên bậc thềm, người nghệ sĩ tâm huyết với nhã nhạc cuối cùng của làng lại hăng say chỉ dạy cổ nhạc với tất cả tình yêu và lòng đam mê.
Ông kể, để tuyển tập được đội nhạc trẻ như thế này là điều vô cùng khó. Phải mất hàng tháng trời để thuyết phục và vận động gần 30 em trong làng mình để tập hợp thành đội nhã nhạc của làng quê Phò Trạch. Khí cụ luyện tập và biểu diễn ông cũng bỏ tiền túi ra, một thời gian thấy ông có tâm huyết, Phòng Văn hóa huyện cũng hỗ trợ kinh phí.
“Nhã nhạc là thứ rất khó học, lớp trẻ bây giờ đều không mặn mà gì nhưng nếu không có người truyền giảng lại thì chẳng bao lâu nữa, tất cả chỉ còn lại trên… sân khấu cung đình mà thôi. Nhã nhạc là của nhân dân, nó phải sống và thịnh được để phục vụ nhân dân ở làng quê chứ không phải chỉ biểu diễn vô hồn trong cung điện lăng tẩm” - ông khao khát.
Hiện tại, đội nhã nhạc của làng Phò Trạch do nghệ sĩ già Phạm Bá Diệm lập nên đã trở nên nổi tiếng khắp nơi, được mời đi phục vụ các kỳ Festival tại Huế, các lễ hội Hương xưa làng cổ ở Phước Tích...
Mấy chục năm ăn cơm nhà đi truyền lửa nhã nhạc, ông bảo mình đã thoả mãn với tất cả. Những gì ông đã sưu tầm và chép lại được, ông mong nó sẽ được những người có tâm huyết tiếp nhận để đánh thức dậy nhã nhạc Huế. Duy có một điều mà mỗi lúc nghĩ đến ông lại thấy nhói lòng: “Nhã nhạc là sản phẩm của quần chúng nhân dân nhưng giờ nó lại được đóng khung trong cung điện lăng tẩm để kinh doanh, để bán chát theo kiểu “bán xôi lấy tiền”. Làm như thế tui nói thật là phản văn hóa, là cách “bán văn hóa để lấy tiền”! Làm sao để đưa nhã nhạc về lại đời sống quần chúng, đưa thứ linh thiêng như thế này trở về đời sống nhân dân thì mới trả lại đúng nguyên giá trị của nó!”.
Kỳ Duyên