1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thiếu điện chỉ còn biết… cắt điện

Thiếu nguồn dự phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân và sản xuất của nền kinh tế, nhưng các quan chức ngành điện cũng như Bộ Công nghiệp chỉ còn biết đưa ra giải pháp kêu gọi tiết kiệm điện và cắt điện.

Hệ thống điện thiếu nguồn bổ sung

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện trong thời gian qua đã tăng tới 17% và có thể sẽ vượt ngưỡng 20%. Trong khi đó, dự báo phụ tải (nhu cầu sử dụng điện) chỉ tăng 15% trong 2007.

EVN đã lên kế hoạch cân đối điện cho mùa khô 2007 (từ 1/1 đến 31/5/2007) là 27 tỷ KWh, nhưng với mức phụ tải tăng nhanh như hiện nay thì mức sử dụng thực tế sẽ lên tới gần 28 tỷ KWh, vượt gần 1 tỷ KWh so với tính toán và hệ thống điện đang bị đặt vào tình trạng căng thẳng.

Ngoài nguyên nhân nhu cầu sử dụng điện tăng vượt dự tính thì còn một lý do quan trọng gây ra sự căng thẳng này là hệ thống điện thiếu công suất dự phòng. EVN cũng thừa nhận hệ thống điện đang hoạt động thiếu an toàn do công suất dự phòng rất thấp.

Để tránh thiếu điện trong mùa khô 2007, EVN cũng đã cân đối một lượng công suất dự phòng khoảng 1.000MW để bổ sung như nhiệt điện Uông Bí mở rộng, tổ máy 1 Thuỷ điện Quảng Trị, nâng công suất mua điện Trung Quốc...

Nhưng cho đến nay các dự án nguồn dự phòng vẫn đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch. Nhà máy điện Cao Ngạn 2 tháng nữa mới sửa xong, nhiệt điện Uông Bí chậm 2 năm rồi, đáng ra tháng 4 năm nay hoàn thành nhưng giờ vẫn chưa, dự án điện Tuyên Quang cũng chậm... Và như đã nêu, gần 1 tỷ KWh điện bị thiếu trong mùa khô này chưa nhìn thấy nguồn nào để cân đối.

Do thiếu nguồn nên các quan chức ngành điện cũng như Bộ Công nghiệp chỉ còn biết đưa ra giải pháp là kêu gọi tiết kiệm điện và cắt điện luân phiên. Việc cắt điện đã xảy ra và đang gây ra không ít những xáo trộn trong cuộc sống, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho một số địa phương.

Sẽ còn cắt điện dài dài?

Theo Bà Trần Minh Nga - Chủ tịch BP Việt Nam, dự kiến cuối tháng 6/2006 đường ống khí Nam Côn Sơn sẽ ngừng tối thiểu là 14 ngày để lắp đặt thiết bị dàn nén nhằm nâng công suất khai thác từ 13,2 triệu m3 khí/ngày hiện nay lên 15 triệu m3 khí/ngày ngay sau thời điểm đó và 20 triệu m3/ngày vào thời gian tới. Khi đã thực hiện lắp đặt thiết bị thì việc khai thác khí tại lô 06.1 sẽ phải ngừng lại.

Theo BP, với lượng khí khai thác từ lô 06.1 khoảng 13.2 triệu mét khối khí/ngày, ước tính của các chuyên gia, sản lượng điện tạo ra từ lượng khí lô 06.1 sẽ khoảng 71 triệu kwh/ngày, chiếm trên 30% công suất điện toàn hệ thống.

Dự án này có vốn đầu tư 100 triệu USD và kế hoạch ngừng để lắp đặt thiết bị đã thông báo cho tất các bên liên quan như Petro Việt Nam, EVN... từ tháng 6/2006.

Việc triển khai nếu phải lùi lại thì chi phí sẽ tăng và rủi ro cao, bởi vì thời gian thực hiện tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 6 do đây là mùa khô, thời tiết trên biển tương đối tốt. Nếu để sang tháng 7,8 là bắt đầu mùa mưa bão sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Khi hệ thống khí Nam Côn Sơn ngừng để tiến hành lắp đặt thiết bị, chắc chắn hệ thống điện sẽ thiếu công suất nguồn khá lớn, không biết EVN sẽ tìm nguồn bổ sung ở đâu để bù đắp? Liệu hiện tượng cắt điện trên diện rộng và trong thời gian dài có xảy ra?

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải khi trả lời báo chí đã cho biết, ước tính nếu cắt điện thiệt hại sẽ vào khoảng 0,5 USD/1kWh.

Theo Trần Thuỷ
VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm