1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thiếu bằng FC, hàng nghìn tài xế “chờ”… bị phạt

(Dân trí) - Từ ngày 1/7 tài xế lái ô tô sơ mi rơ - moóc (SR) không có giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC sẽ bị phạt nặng. Một ngày trước khi luật có hiệu lực, cả nước có tới 60% người điều khiển phương tiện này "thiếu" bằng và đang "chờ"... bị phạt.

“Bộ “đánh đố” doanh nghiệp”

Ông Nguyễn Khánh Toàn (Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cho hay: “Ngày áp dụng Luật đã cận kề nhưng tình hình ở các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, đặc biệt là ở 2 “điểm nóng” là Hải Phòng và TPHCM. Cả nước có 10.000 tài xế lái ô tô đầu kéo SR nhưng hiện mới chỉ 40% người có bằng FC, điều đó đồng nghĩa với việc 60% tài xế đang “chờ”… bị phạt từ 1/7, Bộ đang “đánh đố” doanh nghiệp”.

TPHCM là địa phương có số lượng xe đầu kéo SR cao nhất cả nước với khoảng 13.000 xe, nhưng cận ngày áp dụng Luật TPHCM mới chỉ có 30% tài xế đã sát hạch GPLX hạng FC, không kịp chuyển đổi GPLX hạng FC thì các phương tiện này buộc phải ngưng hoạt động.
 
Thiếu bằng FC, hàng nghìn tài xế “chờ”… bị phạt - 1
Nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải cho ô tô đầu kéo tạm dừng hoạt động vận tải vì tài xế "thiếu" bằng FC

Ông Trần Việt Hùng (Trưởng Phòng Quản lý vận tải, Công ty Vận tải Công Thành TPHCM) cho biết: Công ty tôi có 100 xe đầu kéo nhưng chỉ 10 tài xế có bằng FC. Lí do vì đa số tài xế đều là lao động chính của gia đình, nếu phải nghỉ 2 - 3 tháng lao động đi đào tạo để lấy bằng FC thì không ai lo cho gia đình họ. Chưa kể hầu hết tài xế của công ty đều có kinh nghiệm lâu năm nên việc buộc học phần thực hành không phù hợp.

Tương tự, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hải Phòng cho biết hiện nay có tới 70% chưa có bằng FC.

Cũng theo ông Nguyễn Khánh Toàn: Khi Bộ GTVT đưa ra quy định nói trên vào năm 2008 thì ở Việt Nam chưa có trung tâm nào đủ cơ sở vật chất để sát hạch, cấp GPLX hạng FC. Đến nay, các trung tâm sát hạch lái xe tại TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng quá tải trong việc đào tạo, chuyển đổi cùng lúc GPLX hạng FC với số lượng quá lớn.

Đơn cử nhử Hải Phòng, với tổng số 6.000 xe SR và 9.000 tài xế lái ô tô đầu kéo nhưng tính tổng số lượng tài xế được đào tạo ở cả 4 trung tâm sát hạch lái xe của địa phương này cũng chỉ cấp được 1.000 bằng FC cho 1.000 người/năm, trong khi đó việc đồng loạt đưa tất cả các tài xế đi thi bằng cùng 1 lúc là chuyện không thể đối với các doanh nghiệp.

Nhiều ý nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng đề đạt: GPLX hạng C và hạng FC thực chất chỉ khác nhau phần thực hành, phần lý thuyết giống nhau. Vì vậy cần rút ngắn thời gian chuyển đổi bằng cách chỉ nên thi phần thực hành.

Sẽ xảy ra ứ đọng hàng hóa và thất nghiệp

Một ngày trước “lệnh” phạt, ông Toàn phân bua: “Hiện mới chỉ có Đà Nẵng là tạm ổn vì số lượng tài xế “tồn đọng” chưa đổi được GPLX hạng FC còn 300 người. Chúng tôi đã kiến nghị nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời thay đổi gì từ phía Bộ nên các doanh nghiệp đều rất hoang mang. Nếu không thay đổi thì chuyện ứ đọng hàng hoá là rất lớn, điều này dễ hiểu bởi anh em tài xế sợ bị phạt nên không dám lái xe ra đường”.

Ông Thái Văn Chung (Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải TPHCM) cho biết: “Với hơn 70% lái xe đầu kéo ở TPHCM chưa được chuyển đổi GPLX theo quy định thì chúng tôi không có giải pháp nào khác là cho tạm dừng hoạt động, khi đó sẽ xảy ra chuyện ứ đọng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng xuất nhập khẩu”.
 
 
Thiếu bằng FC, hàng nghìn tài xế “chờ”… bị phạt - 2
Tuy nhiên, nếu dừng hoạt động vận tải thì sẽ xảy ra ứ đọng hàng hóa tại các cảng

Được biết, để giải quyết vấn đề này, phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM và Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn bắt buộc có GPLX hạng FC thêm 1 năm nữa (tức 1/7/2011).

Các Hiệp hội vùng miền trên cả nước cũng có kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT cho xét đặc cách chuyển đổi GPLX hạng FC đối với các tài xế đã có đủ điều kiện lái ô tô đầu kéo SR theo quy định trước đây (đủ 24 tuổi; có GPLX hạng C, D, E; 3 năm thâm niên và được doanh nghiệp xác nhận 50 km lái xe an toàn - PV). Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức về vấn đề này.

“Ban hành quy định xử phạt là đúng nhưng thời điểm áp dụng Luật của Bộ GTVT chưa hợp lý, đặc biệt là điều kiện cho phép chuyển đổi GPLX. Thực tế, chỉ là đi làm thuê thì khi bị phạt tài xế lấy tiền đâu để nộp? Không có bằng FC thì chủ doanh nghiệp không thể giao xe cho tài xế, không có xe thì tài xế mất việc làm, tạm dừng hoạt động vận tải thì người lao động sẽ thất nghiệp, hàng hóa ứ đọng tại cảng...” - ông Chung chia sẻ.

Châu Như Quỳnh