1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thiết kế "xứ Đông Dương" của cầu Trần Hưng Đạo được chấm điểm như thế nào?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Có tới 13/15 thành viên hội đồng tuyển chọn chấm điểm cao cho thiết kế cầu Trần Hưng Đạo phong cách cổ điển xứ Đông Dương, mỗi thành viên đều đưa ra những đánh giá riêng và chung cho kiến trúc này.

Vai trò chuyển tiếp giữa "cũ" và "mới"

Cầu Trần Hưng Đạo được coi là dự án kết nối giao thông 2 bờ sông Hồng quan trọng nhất của Thủ đô Hà Nội. Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã triển khai thực hiện và hoàn chỉnh các thủ tục liên quan tới công tác tuyển chọn phương án thiết kết kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Hội đồng tuyển chọn gồm 15 thành viên, gồm các lãnh đạo đương nhiệm của các Sở, ngành chức năng của Hà Nội; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã và đang làm việc trong ngành kiến trúc, xây dựng và quy hoạch đô thị. Trong báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng của Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, các thành viên hội đồng đã chấm điểm và có những kiến giải cụ thể.

Theo đó, phương án một mang phong cách cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại chỉ có một thành viên hội đồng lựa chọn; phương án hai là cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay cũng chỉ 1/15 thành viên hội đồng xếp hạng cao nhất. Hai phương án này cũng được cho là có thiết kế kiến trúc tương tự cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù hiện nay.

Riêng phương án 3 là cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển, kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương được 13/15 thành viên hội đồng này chấm điểm cao và lựa chọn sử dụng.

Cầu Trần Hưng Đạo

Phối cảnh thiết kế cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương (Ảnh: TEDI).

Ông Nguyễn Văn Nhậm - chuyên gia Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng, một trong hai người chấm số điểm cao nhất cho phương án 3 với 95 điểm - nói rằng đây thực chất là cầu đúc hẫng đã được thi công nhiều ở Việt Nam. Trong 3 phương án thì phương án này hợp lý nhất về mặt kết cấu, dễ thi công, dễ duy tu bảo dưỡng và kinh phí thấp.

Tuy nhiên, để khác với cầu cùng loại đã và sắp xây dựng ở Hà Nội (cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Mễ Sở), ông Nhậm lưu ý cần thiết kế 2 tháp cầu đẹp, bổ sung thêm chức năng chỗ ngắm cảnh Hà Nội, thiết kế chiếu sáng hợp lý, có mặt bằng và tổ chức thi công hợp lý có thể rút ngắn thời gian thi công cầu chính.

Là một trong 15 thành viên của hội đồng tuyển chọn, ông Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, cầu Trần Hưng Đạo thuộc công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.

Về sự cần thiết đầu tư dự án, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị phân tích rõ hơn về việc đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo sẽ tăng khả năng kết nối khu vực nội đô lịch sử và bờ bắc Sông Hồng (khu vực mới phát triển) tạo sự lan tỏa phát triển đô thị, giảm sức ép cho khu vực nội đô lịch sử, như vậy càng rõ vai trò chuyển tiếp giữa "cũ" và "mới" của công trình cầu Trần Hưng Đạo; cần có đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội của việc đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.

Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - lựa chọn phương án 3 và nêu các kiến giải chuyên môn cụ thể. Ông cho rằng đây là thiết kế kiến trúc được nghiên cứu trên các giải pháp trình bày trước đây, nhưng giải pháp kỹ thuật chân thực, phản ánh trung thực sự làm việc của hệ dầm bê tông cốt thép, không dùng dây văng trang trí. Kiến trúc có cá tính của khu vực Hà Nội cũ, tạo cổng chào khu vực trung tâm.

"Cổng chào cần tinh giản hơn, lựa chọn những đường nét, hình dáng phù hợp của kiến trúc khu vực nhưng hiện đại + bản địa, phản ánh hơi thở của thế kỷ 21. Trên thực tế sẽ còn có các yếu tố tác động bởi phương án trang trí và ánh sáng, điều này có thể làm cho cổng chào rắc rối hơn nếu như không nghiên cứu kỹ các kịch bản trang trí, ánh sáng từ bây giờ" - ông Vạn góp ý.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đề cập tới đường quy hoạch ven sông cần được lập dự án đầu tư song song với cầu để nhanh chóng hiện thực hóa, không kéo dài. Tuyến đường sẽ góp phần chỉnh trang cảnh quan 2 bờ sông Hồng.

"Nên hiểu đúng bản chất của kiến trúc xứ Đông Dương"

Bà Lã Thị Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - cho phương án thiết kế cầu mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương số điểm 65 là khá chừng mực, nhưng cũng là mức cao nhất trong 3 phương án. Theo lý giải của bà Ngân, hồ sơ chỉ có 3 phương án rất khó lựa chọn phương án tối ưu.

Theo bà Ngân, phong cách kiến trúc xứ Đông Dương thiết kế theo hướng kết nối, hài hòa với phong cách kiến trúc phố cũ và đặc biệt sẽ có cá tính riêng, không bị lẫn với các kiến trúc cầu đã có. Ngoài các yếu tố kỹ thuật, bà Ngân cũng góp ý không nên lệ thuộc quá nhiều vào các thứ cổ điển, cần tìm ra các đường nét, tỷ lệ đẹp, nét vuốt cong dứt khoát có sáng tạo, đường nét kiến trúc đương đại.

"Nên hiểu đúng bản chất của hình thức kiến trúc xứ Đông Dương" - đó là quan điểm của ông Nguyễn Quốc Thông - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Cầu Trần Hưng Đạo

Thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển được 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn (Ảnh: TEDI).

Ông Thông cho biết, bản chất của hình thức kiến trúc Đông Dương là phong cách kiến trúc giữ (tôn trọng) tỷ lệ kiến trúc cổ điển Pháp, nhưng thoát ly các chi tiết trang trí kiến trúc phức tạp (gờ, chỉ...) của kiến trúc cổ điển, đơn giản theo phong cách tiền hiện đại Art-Deco với việc sử dụng các hệ mái dốc và chi tiết trang trí kiến trúc phương Đông.

Với kiến trúc mang tính thời đại, ông Thông góp ý việc lặp lại đúng phong cách kiến trúc Đông Dương là chưa hợp lý. Cần có sự cách điệu trên cơ sở kiến trúc Đông Dương theo hướng hiện đại, điều chỉnh giảm các chi tiết gờ, chỉ phức tạp theo kiến trúc cổ điển; đặc biệt là ở 2 cổng chào, các mố cầu, lan can... mà khai thác kiến trúc Art-Deco để tăng tính hiện đại, khỏe khoắn mà trang nhã của kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Nêu quan điểm về tên gọi xứ Đông Dương, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho rằng cần cân nhắc, ở đây không rõ là tên riêng hay tên địa danh (nếu là tên địa danh phải cụ thể là sông Hồng, Hà Nội, Việt Nam) hay gọi theo phong cách kiến trúc Đông Dương.

Ông Hải đồng ý xem xét lựa chọn phương án kiến trúc "xứ Đông Dương", nhưng không nên sao chép máy móc phong cách kiến trúc Đông Dương trước đây mà cần nghiên cứu cách tân theo xu thế kiến trúc thế kỷ 2. Đặc biệt, kiến trúc tháp và mố cầu nên chắt lọc đột phá và bay bổng trong không gian mở mênh mông của sông Hồng, thể hiện khát vọng của người Hà Nội. Vị này cũng lưu ý phương án kiến trúc nếu không khéo sẽ bị đánh giá là sao chép và nhái lại cầu London Bridges bắc qua sông Thames ở Anh.