1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thiết kế nhà ga metro phải chú ý kết nối với… xe máy

(Dân trí) - “Khi thiết kế nhà ga metro phải chú ý kết hợp vận tải đa phương thức để phục vụ tốt nhất nhu cầu của hành khách, đặc biệt là xe máy. Bởi xe máy là phương tiện di chuyển quan trọng của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở TPHCM”.

Đó là góp ý của ông Gael Desveaux, Tổng giám đốc AREP Việt Nam, một tập đoàn chuyên thiết kế nhà ga và quy hoạch không gian đô thị của Pháp tại Hội thảo Giao thông đô thị với chủ đề “Đô thị và đường sắt” vừa tổ chức tại TPHCM ngày 28/5.

Thiết kế nhà ga metro phải chú ý kết nối với… xe máy
Theo các chuyên gia Pháp, thiết kế nhà ga metro phải tính đến đặc thù giao thông của người dân thành phố

Tạo điều kiện cho khách tiếp cận nhà ga

Ông Gael Desveaux nói: “Nhà ga metro không chỉ là nơi để khách đón tàu mà còn là trung tâm giao tiếp của một hệ thống giao thông, nó phải được thiết kế trên tiêu chí kết hợp với mạng lưới giao thông xung quanh như ô tô, xe máy, xe đạp, xe buýt… Sự kết hợp các loại hình di chuyển này rất quan trọng, vì nó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách tiếp cận nhà ga”.

Theo ông Gael Desveaux, việc khách tiếp cận nhà ga dễ dàng là yếu tố vô cùng quan trọng vì nó quyết định nhà ga có thu hút khách hay không. Từ điều kiện thu hút được đông khách thì mới có thể tính đến các phương án khác như khai thác diện tích thương mại, sử dụng hoạt động thương mại để san sẻ kinh phí đầu tư cho dự án metro…

Ông cho rằng, từ các hoạt động phụ thêm này thì phương án tài chính của dự án mới khả thi. Do đó, phải bàn sâu, tính kỹ hơn về việc bố trí, thiết kế nhà ga như thế nào cho phù hợp, kết nối tốt với các loại hình giao thông khác, thu hút lượng khách đông đảo nhất… Khi có phương án khả thi sẽ dễ dàng thu hút nhà đầu tư.

Ý kiến của ông Gael Desveaux được nhiều đại biểu khác tại đồng tình. Ông Luc Vorilhon, Giám đốc thương mại khu vực Đông Nam Á của hãng Systra, đơn vị từng tham gia hơn 50% dự án tàu cao tốc trên thế giới cho biết: “Về khía cạnh tiếp cận của nhà ga, chúng tôi cho yếu tố kết nối thuận tiện với các loại hình giao thông công cộng khác là bắt buộc. Đồng thời phải có sự điều phối giữa các loại hình giao thông này. Xung quanh nhà ga phải có bãi xe ôtô, xe buýt, xe máy… Phải tối ưu hóa sự vận hành của nhà ga thì mới có phương án xây dựng khả thi”.

Ông Gael Desveaux khẳng định: “Việc bố trí nhà ga metro phải phù hợp với đặc thù của khu vực đó. Khi xây dựng nhà ga metro tại Việt Nam thì phải bố trí, thiết kế phù hợp với các yếu tố đặc thù của người Việt Nam”.

Phải có tầm nhìn cả trăm năm

Ngoài yếu tố tiếp cận, theo ông Luc Vorilhon thì yếu tố đảm bảo an toàn là vô cùng quan trọng. Ông cho rằng: “Nhà ga là nơi tập trung rất đông người nên chúng ta phải chú ý đến yếu tố an toàn. Các phương án vận hành phải tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn quốc tế. UBND TPHCM và Ban quản lý Đường sắt đô thị TP cũng đang yêu cầu chúng tôi nghiên cứu các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, thông gió, thoáng khí… cho nhà ga để đảm bảo an toàn cho hành khách”.

Phải xác định quy mô nhà ga ngay từ đầu để có phương án thiết kế đảm bảo an toàn phù hợp. Như tại Mecca Metro, vào những đợt cao điểm hành hương về Mecca thì lượng người tập trung ở nhà ga rất lớn. Chúng ta phải tính đến các thời điểm như vậy để thiết kế những lối đi lớn, thang máy rộng rãi… cho hành khách thuận tiện di chuyển, đảm bảo an toàn khi có sự cố.

Về sự tác động đến kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của khu vực xung quanh nhà ga khi nó đi vào hoạt động, ông Gael Desveaux cho rằng: “Phạm vi tác động là 500m xung quanh nhà ga. Đây là điều quan trọng phải tính tới khi bố trí nhà ga, đặc biệt là nơi đô thị biến động tự phát rất mạnh như Việt Nam”.

Ông Luc Vorilhon thì khẳng định: “Có nhà ga lớn như nhà ga metro thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến sự thay đổi về mặt kinh tế - xã hội của khu vực xung quanh. Phải nghiên cứu kỹ sự tác động này trước khi xây dựng metro. Nghiên cứu kỹ các mặt như quy mô dân số, đặc thù kinh tế, đời sống xã hội. Đô thị sẽ thay đổi gì khi có dự án này? Đặt vị trí nhà ga tại đây có phù hợp? Nó mang lại gì cho người dân?...”.

Ông Luc Vorilhon cho rằng: “Xây dựng metro phải có tầm nhìn cả trăm năm vì thời gian vận hành của nó rất dài. Mỗi dự án metro đều đặt một dấu ấn lớn cho đô thị nên chúng ta không thể làm nhanh được. Phải làm cẩn thận, nghiên cứu kỹ. Những nghiên cứu này phải tính đến tất cả những yếu tố mà chúng ta có thể nghĩ ra”.

Tùng Nguyên