Thiết bị thông minh tự phát hiện ruộng thiếu nước thay nông dân
(Dân trí) - Với thiết bị áp dụng công nghệ hiện đại, nông dân chỉ cần đợi cảnh báo thông qua smartphone là biết lúc nào cần tưới nước hay dự báo sớm sâu bệnh, nấm tấn công cây trồng.
Prasant Maroo là nông dân trồng rau, ớt, cây diêm mạch và bầu, bí ở ở làng Saloni (Ấn Độ). Cách đây không lâu, anh nhìn thấy thiết bị sử dụng Internet vạn vật (IoT) của công ty khởi nghiệp Fasal ở trang trại gần đó.
Thiết bị này có các cảm biến được gắn vào một cây cột chôn trên ruộng. Nó giúp theo dõi độ ẩm, tình trạng đất, khí hậu suốt ngày đêm. Phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo truyền dữ liệu lên đám mây sẽ cung cấp cho nông dân cảnh báo về điện thoại thông minh. Công cụ này giúp anh Prasant Maroo có thể quản lý tưới tiêu, phòng trừ dịch bệnh, giảm chi phí và tăng năng suất.
Nhờ áp dụng công nghệ mà Prasant Maroo thu hoạch ớt và hạt diêm mạch có năng suất cao hơn 20%, đồng thời sử dụng ít nước hơn. Trong năm 2020, anh nông dân này đã lắp đặt thiết bị thứ ba trên cánh đồng.
Tưới quá mức là vấn đề lớn ở Ấn Độ. Việc sử dụng quá nhiều nước có mặt trái là rửa trôi chất dinh dưỡng và phân bón ra khỏi đất, có thể làm hỏng rễ. Thiết bị mà anh Prasant Maroo lắp đặt có thể theo dõi độ ẩm dưới bề mặt đất và thông báo cho nông dân thời điểm cần tưới, đảm bảo độ ẩm luôn ở mức tối ưu.
Trước khi có thiết bị này, anh Prasant Maroo tưới nước kể cả sau khi trời mưa. Hiện tại, anh có thể không cần tưới nước trong 3 ngày vì ứng dụng đã xác định độ ẩm trong đất. Ngoài ra, thiết bị sẽ quan sát lá và điều kiện thời tiết để dự đoán sự xuất hiện của nấm. Nhờ vậy, anh Prasant Maroo chủ động phun thuốc diệt nấm khoảng 1 tuần trước khi nấm xuất hiện.
Được biết, những người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Fasal là Ananda Verma và Shailendra Tiwari đều xuất thân từ gia đình nông dân. Trong quá trình làm việc ở công ty công nghệ, họ thường nói về những vấn đề thường gặp ở trang trại. Hồi năm 2017, nhóm quyết định áp dụng khoa học vào trồng trọt. Tuy nhiên, các kỹ sư này từ bỏ dự định trở thành nông dân, thay vào đó tập trung nghiên cứu công cụ kỹ thuật để giúp nông dân.
Các phương pháp áp dụng từ lâu đời không còn hiệu quả vì môi trường đã thay đổi, nên những gì nông dân cần là công cụ để tận dụng sự tiến bộ trong công nghệ như AI hay IoT. Với thiết bị sử dụng IoT được áp dụng nói trên tại hàng trăm héc ta đất nông nghiệp đã giúp tiết kiệm 3 tỷ lít nước.