1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thiên tai gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Năm 2018 có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng, miền đã gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa tổ chức hội nghị PCTT khu vực miền Nam năm 2019, diễn ra tại tỉnh Cà Mau.

Thiên tai gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng - 1

Hội nghị về phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam vừa diễn ra tại tỉnh Cà Mau.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, tình hình thiên tai trên cả nước năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng miền với 16/21 loại hình thiên tai, đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại, ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Tại khu vực Nam Bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, trong đó gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn nhất là lũ ở ĐBSCL, mưa đá, dông, lốc, sét, sạt lở bờ sông, bờ biển, làm 10 người chết và mất tích, bị thương 13 người, hàng ngàn căn nhà bị hư hại,…; thiệt hại ước tính khoảng 117,9 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực Nam Bộ xảy ra một cơn bão, 76 trận giông, lốc, sét, 188 điểm sạt lở, làm 5 người chết, 19 người bị thương và thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, tài sản của nhân dân.

Thiên tai gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng - 2

Nhà dân bị lốc xoáy làm hư hại ở Bạc Liêu.

Ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán,… dẫn tới tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

"Siêu bão" Linda xảy ra vào năm 1997 đã khiến 3.000 người thiệt mạng, và đợt hạn hán, nhiễm mặn đầu tiên nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm đã xảy ra vào năm 2015-2016 nhắc nhở chúng ta rằng ĐBSCL là khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

Theo dự báoTrung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những tháng cuối năm 2019, bão hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới ít hơn so với trung bình nhiều năm; 10-12 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh, có quĩ đạo phức tạp và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

Thiên tai gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng - 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- ông Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, thiên tai năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 các tỉnh Nam Bộ có giảm so với năm 2017, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó các địa phương đã rất cố gắng thực hiện tốt công tác phòng, chống.

Tuy nhiên, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chúng ta không thể chủ quan vì thiên tai có thể đến bất chợt. Dự báo mới nhất khoảng từ 2025-2030, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 7%, giảm rất nhiều, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông là rất đáng quan tâm.

Do đó, các tỉnh miền Nam cần thực hiện nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo số 247 ngày 16/7/2019. Trong thông báo có nói rất rõ, và dự báo cụ thể tình hình thiên tai năm 2019. Nếu chúng ta chủ động chuẩn bị đầy đủ và trách nhiệm trong mọi tình huống thì dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể xử lý được.

Rà soát và hoàn thiện các phương án ứng phó với thiên tai trên tinh thần bảo vệ an toàn cho nhân dân, không để bị động trong mọi tình huống. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, đặc biệt là dự báo lũ, xâm nhập mặn sớm (khoảng 30 ngày) để chủ động ứng phó và kịp thời điều chỉnh mùa vụ sản xuất.

H.Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm