1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thiên đường “đồ sida”

Thảo kể, hè này là lần thứ ba cô cùng nhóm bạn gái của mình từ Hà Nội vào Huế du lịch. Và cũng như hai lần trước, việc ưu tiên của cô và nhóm bạn là bắt xe tới ngay tiệm… bán “đồ sida” - hay còn gọi là hàng bành.

Thiên đường “đồ sida”
Chợ Tây Lộc - nơi tập trung “hàng sida” nhiều nhất thành phố Huế.
 
“Vì sao phải vào tận đây để mua đồ sida?”. Thảo cười: “Đơn giản vì nhiều hàng hiệu, hàng độc, nhưng giá bằng một nửa so với Đà Nẵng và chỉ bằng một phần ba nếu mua ở Hà Nội”.

“Đi cùng tụi em” - Thảo rủ khi thấy tôi tỏ ý nghi ngờ về những điều cô nói. Tưởng điểm đến là chợ Tây Lộc nổi tiếng nhất thành phố với hơn 40 gian hàng quần áo cũ bày bán trước sân chợ mỗi chiều, nhưng không phải. “Chỗ đó toàn hàng thứ cấp bán cho sinh viên và người lao động nghèo. Muốn mua hàng xịn, hàng tuyển thì phải đến những chỗ này, chỗ này…” – Thảo làm tôi xấu hổ vì là dân thổ địa.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là tầng hai một ngôi nhà ở đường Phan Chu Trinh. Với tôi, nó cũng chỉ là một quầy hàng tổng hợp thượng vàng hạ cám những quần áo, giày dép, thắt lưng, ví da, kính mát, bao da đựng điện thoại, túi xách… như bao nhiêu cửa hàng bán đồ cũ khác trong thành phố này.

“Cả thế giới” tập trung về Huế

Nhưng tôi bỗng nghe “Chúa ơi”. Đó là lời của Hương - người trong nhóm lần đầu tiên đến Huế - đã thốt lên ngạc nhiên sau khi đảo mắt một vòng quanh phòng. “Hình như cả thế giới đang tập trung về Huế”, cô nói. Đến lượt tôi ngạc nhiên: “Có nói quá lên không?”.

Hương giải thích: “Trong căn phòng này hết 80% là đồ nhái của các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như: Louis, Evisu, Adidas, Boss, Gucci, Tommy, Levis, Versace… nhưng 20% còn lại là đồ xịn. Dù là hàng đã qua dùng rồi, thậm chí dùng nhiều nhưng vẫn còn rất tốt và là niềm mơ ước của số đông chúng ta”.

Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, Thảo ghé tai thì thầm: “Nó là chuyên gia về hàng hiệu, đã nói là cấm sai. Quần áo, giày dép, phụ kiện của nó toàn đặt mua ở nước ngoài qua mạng Amazon”. Hương chọn mua cho người yêu một chiếc thắt lưng màu bò đã sờn hiệu Gucci. “500 ngàn?” cô nửa tin nửa ngờ khi nghe chủ quầy nói giá.

Cô bảo nhỏ, cách đây mấy tuần đã hỏi mua cái thắt lưng cùng hãng, cũ hơn cái này nhiều ở một quầy bán đồ cũ ở đường Trần Phú, Đà Nẵng, người bán bảo nhất định phải 900 ngàn, một ngàn cũng không bớt. “Còn ở Hà Nội, cái này ít nhất cũng phải 1,5 triệu”. Nghe vậy Thảo cười đắc chí: “Vậy nên mới có chuyện năm nào tao cũng vào Huế du lịch kết hợp mua… đồ bành”.

Nghe các bạn nói, tự dưng tính tò mò trong tôi trỗi dậy. Đồ bành từ đâu về Huế? Đường đi của nó ra sao? Những ai buôn bán hàng này?... Mụ H - chủ quán - là người quen sơ với tôi, thấy tôi hôm nay bỗng nhiên dò hỏi nhiều thông tin nhạy cảm, bỗng dưng cảnh giác vì sợ quản lý thị trường “quấy rầy”. Hỏi mãi mụ chỉ nói thật đúng một chuyện: “Những điều bạn em nói nãy giờ chị biết hết, nhưng chị không thể bán đắt như Hà Nội, Đà Nẵng được vì ở Huế mình người mua không có nhiều tiền và tiết kiệm, bán giá đó có ma dưới âm phủ nó mua”.

Nhưng không phải ai đến tiệm đồ bành của mụ H cũng biết phân biệt thật giả như các bạn của tôi. Bởi khi Hương vừa rút ví trả xong 500 ngàn đồng cho chiếc thắt lưng xịn thì có hai thanh niên tiến đến chỗ chúng tôi. Họ chọn cho mình mỗi người một chiếc thắt lưng Gucci mới coóng mà theo lời Hương là hàng nhái, giá chỉ khoảng 200 ngàn đồng/chiếc thôi, nhưng mụ H chủ quán vẫn hét “500 ngàn không bớt”.

Mụ còn đem Hương ra làm chứng: “Chị kia cũng vừa mua một cái như em, cũ hơn nhưng cũng giá đó”. Phía bên kia, một cô gái đang mân mê cái túi xách hiệu Louis Vuitton. Cô hỏi: “Túi này là hàng thật hay nhái chị?”. Mụ H bối rối liếc qua Hương rồi trả lời: “Nó không phải là hàng nhái mà là hàng chất lượng kém hơn hàng thật một tí thôi em ạ”. “Kém hơn một chút là răng chị? Có phải cùng một hãng làm không”. “Đúng rồi, cùng một hãng, nhưng chất lượng xấu hơn nên giá rẻ hơn”. Rẻ hơn của mụ H là… 600 ngàn, đắt hơn ngoài chợ Đông Ba đến 200 ngàn đồng. Suýt nữa chúng tôi sặc vì cười.

Mụ H bảo khách của chị là khách quen, khách đồn miệng và có hai loại chính: Loại chỉ quan tâm đến nhãn hiệu và có lấy búa đập chục cái lên đầu cũng không biết cách phân biệt được thật - giả. “Mà ra đường, thật - giả mấy ai phân biệt được, cứ thấy Gucci, Boss, Tommy, Levis là oai rồi” - chị lý luận. Loại thứ hai là không quan tâm nhãn hiệu gì, miễn là đẹp, lạ, độc, không đụng hàng nhưng… rẻ.

Đường đi của “hàng sida”

Mệ Liên - một trong 40 người bán “đồ bành” ở sân chợ Tây Lộc - tự hào là một trong những người bán “hàng sida” sớm nhất ở Huế - từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Mệ gây ấn tượng mạnh bởi quá trẻ so với tuổi gần 60 và đặc biệt là người duy nhất ở chợ này không… cảnh giác với tôi khi trò chuyện. Mệ bảo đường đi của “hàng sida” về đến Huế rất phức tạp với lộ trình như sau: Đầu tiên hàng được các đầu nậu ở TP.Hồ Chí Minh qua gom bên Campuchia, sau đó chuyển về Việt Nam phân loại (giày, quần, áo, ví da…), đóng thùng, đánh mã số.

Từ TP.Hồ Chí Minh, hàng sẽ chuyển về Huế và nhiều địa phương khác thông qua các “đại lý” mua đứt bán đoạn (ở Huế có khoảng 5 “đại lý”). Mỗi lần hàng về, những người như mệ Liên sẽ được các “đại lý” thông báo rồi đến mua lại theo hình thức xổ số: Phải mua nguyên thùng và không được kiểm tra hàng. Về gặp hàng tốt thì lãi, gặp hàng xấu thì tự chịu.

Bước tiếp theo, những người chuyên mua bán “đồ bành tuyển” như mụ H mà tôi nhắc đến ở đoạn trên sẽ đi đến nhà từng người, lần lượt mở các thùng hàng và tuyển đi những mặt hàng đẹp nhất, trả giá cao nhất rồi về “mông má” để bán lại.

Mệ Liên nói, một trong những người mua bán “hàng tuyển” nổi tiếng nhất ở Huế là “con H”. “Ngày xưa nó cũng là người bán đồ chợ kiểu như tui. Tuy nhiên gần chục năm trở lại đây, nó chuyển qua bán đồ tuyển nên chừ giàu lắm, xây được cả khách sạn”. Mệ nói “tụi hắn thường bán một lời một, thậm chí lời hai. Ví dụ thắt lưng hiệu Gucci, con H mua của tui đổ đồng 200 ngàn đồng/cái, nhưng sau đó về bán lại 500 ngàn, thậm chí 7 – 8 trăm ngàn.

Tôi trêu: “Lời ghê rứa răng mệ không chuyển qua bán hàng tuyển mà cứ bán hàng chợ thu tiền lẻ thế này?”. Mệ cười: “Muốn bán hàng tuyển phải có mặt bằng. Với lại buôn bán còn có cái duyên nữa con à, không phải muốn là được…”.    

Thật ra, đường đi của “hàng sida” như lời kể của mệ Liên là chuyện mới của những năm sau này. Cụm từ hàng sida” xuất hiện ở Việt Nam bắt đầu từ cuối thập niên 1980. Lúc đó, tổ chức SIDA của Thụy Điển (Swedish International Development Cooperation Agency - Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển) có nhiều chương trình viện trợ cho Việt Nam. Và một trong những chương trình đó là quyên góp quần áo cũ của người dân, giặt giũ, làm sạch rồi đóng thùng gửi sang Việt Nam. Nhưng khi tới Việt Nam, do một vài lý do nào đó, các thùng quần áo này không được phát trực tiếp cho người nghèo mà lại trở thành một mặt hàng bày bán ngoài thị trường với giá rẻ.

Đến cuối thập niên 1990, tổ chức SIDA không còn hình thức viện trợ này cho Việt Nam nữa, nhưng quãng thời gian 10 năm cũng đủ để khái niệm "hàng sida" trở thành “thương hiệu” ở Việt Nam, gắn liền với những mặt hàng quần áo của nước ngoài đã qua sử dụng. Cho đến bây giờ, nhiều người ở Huế vẫn còn sợ hãi bởi họ cho rằng “hàng sida” là hàng mặc… vào rất dễ nhiễm bệnh SIDA, do chữ "sida" ngẫu nhiên trùng với tên gọi căn bệnh thế kỷ SIDA/AIDS.

Trở lại với Thảo và nhóm bạn của cô ấy. Hôm đó, sau khi lượn lờ khắp tất cả các quầy bán “hàng sida” tuyển trong thành phố rồi chất đầy cốp xe taxi nào quần, áo, giày, thắt lưng, ví da, túi xách, cả nhóm hỉ hả rời quầy hàng mụ H với lời hẹn: “Lần sau chúng em sẽ trở lại và rủ thêm nhiều người nữa”. Hương bình luận: “Huế đúng là thiên đường hàng sida”. Nghe vậy, Thảo quay sang gợi ý với tôi: “Sao Huế nhà anh không có ý tưởng đẩy mạnh, quảng bá việc bán “hàng sida” như một đặc trưng để phục vụ những đối tượng khách du lịch như chúng em nhỉ?”.

Hỏi nghe mà buồn!     

Dùng “hàng sida” coi chừng lây bệnh

Một bác sĩ da liễu ở Bệnh viện T.Ư Huế khuyến cáo: Những ai thích và chuyên dùng “hàng sida” nên cẩn thận bởi những bộ quần áo, vật dụng chưa kịp giặt và xử lý này có thể còn chứa nhiều vi khuẩn, cả các loại vi trùng từ bệnh tật của người chủ cũ. Chưa kể khi bày bán ở cửa tiệm, hoặc vỉa hè lâu ngày, bụi đường, chất bẩn xung quanh sẽ bám vào quần áo, sinh nấm mốc. Tác nhân gây bệnh từ đồ sida chia thành nhiều nhóm, nhưng vi nấm là loại thường gặp nhất.

Nấm từ quần áo bẩn, khi mặc vào, chúng dễ dàng xâm nhập qua da, ký sinh trên cơ thể người, gây các chứng bệnh truyền nhiễm nơi vùng bẹn, da đầu và toàn thân. Nếu da bị trầy xước hoặc đang bị tổn thương bên ngoài, khi sử dụng quần áo cũ, có thể mắc nguy cơ các bệnh lây nhiễm như giang mai, lậu… 

 
Theo Hoàng Văn Minh
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm