Thi nhau “xí” đất, vun mộ làm giàu
(Dân trí) - Những người kinh doanh mộ gió ở phường An Tây, TP Huế, mỗi tháng chỉ cần bán 2 ngôi mộ là thoải mái ăn chơi. Công việc của họ cũng khá đơn giản: đo đất, khoanh đất, vun lại thành mộ rồi rao bán kiếm tiền.
Trước đây xung quang núi Ngự Bình, Thiên Thai dân ít, đất đai rộng. Nhiều người dân thấy vị trí cách trung tâm thành phố không xa nên nảy ý định khai hoang, dựng nhà, lập vườn và lập… mộ gió. Mộ gió là những ngôi mộ được đắp bằng ụ đất giống y mộ thật nhưng chưa chôn xác người.
Khi đất đai còn rộng rãi, người dân “xí” đất bằng cách cứ thấy miếng đất nào đẹp, vị trí thuận lợi thì lập tức dùng cuốc xẻng vun lập thành ngôi mộ. Khi có mộ rồi thì không bị người khác lấn chiếm, tranh giành vì người khác cũng như chính quyền không thể biết được dưới mộ có hài cốt hay không.
Từ khi UBND tỉnh có quyết định quy hoạch nghĩa trang, nhiều hộ dân ở phường An Tây, TP Huế “phất” lên nhờ kinh doanh mộ gió.
Nghe thông tin nhiều người mua mộ gió ở An Tây, chúng tôi đã tới tận nơi tìm hiểu. Vừa dừng xe hỏi mua mộ đã có ngay 4 tay “cò” mộ vây quanh. Chúng tôi thử đặt vấn đề muốn mua một số ngôi mộ cho người thân, họ chỉ tay lên núi bảo: “Ở đây nhiều lắm, anh thích ở đâu cũng có. Cả cái núi này anh thích chỗ nào em dẫn đi gặp chủ”.
Tôi chỉ tay về phía tay phải, một anh “cò” liền dẫn tôi tới nhà mệ T., người được coi là “trùm” mộ gió ở đồi An Tây. Mệ giới thiệu: “Bọn anh muốn mua loại như thế nào đều có, loại xịn thì 5 triệu đồng/mộ, loại bình thường 3 triệu đồng/mộ”.
Theo mệ T. thì hiện gia đình mệ có vài chục ngôi mộ gió. Năm ngoái mệ đã bán 12 cái. “Các chú cứ an tâm đi, tui đây làm nhiều lần rồi không có vấn đề chi cả. Mua của tui là an toàn nhất, các chú cần bao nhiêu mét cũng có hết, sau khi mua xong các chú có thể khoanh lại đó rồi khi nào cần thì mình làm...”.
Thấy chúng tôi có vẻ không tin, mệ T. thở dài: “Nếu các chú không tin thì tui dẫn đi. Những ngôi mộ mà tui đã làm cho người ta chẳng ai dám làm chi đâu. Cứ nhìn những ngôi mộ nào được un bằng đất không có hương là những cây mộ gió, các chú cứ xem rồi ra giá...”.
Chúng tôi theo mệ ra xem, những ngôi mộ san sát nhau không có chỗ trống. Người dân ở đây đã “quy hoạch” sẵn “nghĩa trang” bằng cách ấy. Chúng tôi mặc cả 2 triệu một cái. Mệ T. lắc đầu: “Không có giá rẻ rứa mô, bọn tui cũng lo lót nhiều thứ nữa chứ…”.
Chúng tôi hỏi: Thế sau này khi quy hoạch người ta không cho mình chôn nữa thì ai chịu trách nhiệm. “Chú cứ yêu tâm đi, thằng con tui hắn làm kiểm lâm ở đây mà, việc đó các chú không phải lo...”, mệ T. nói chắc như đinh đóng cột.
Đến núi Thiên Thai, chúng tôi gặp một “trùm” mộ gió khác là anh T.. Anh khoe có hàng ngàn ha trên núi, đất rộng và thoái mái lắm, muốn mua bao nhiêu cũng được. Có lẽ nghĩ chúng tôi là khách sộp, T. cuống quýt: “Bọn anh mua 10m mà có muốn lấn thêm 1m cũng không sao, em còn cả đồi...”.
Theo T., mộ gió xây lên rồi dễ bán hơn vì người mua đỡ mất thời gian xây sửa, họ cũng cho rằng xây rồi thì chính quyền cũng khó “đụng” vào hơn. Bản thân người bán mộ khi đã xây lên, nếu lỡ chưa bán được mà nằm trong khu vực giải toả về nghĩa trang quy hoạch thì cũng sẽ được bồi thường theo quy định.
Thế nên nhiều khu đồi, mộ gió mọc lên như nấm và rất khó kiếm soát. Qua những con số chúng tôi thu thập được, con số mộ gió ở Quảng Bình là không dưới một ngàn mộ. “Giờ chỉ những người “trong nghề” mới biết đâu là mộ gió, đâu là mộ thật”, anh T. khẳng định.
“Nghề” đào ra tiền
Việc kinh doanh mộ gió không mất vốn cũng chẳng tốn công khiến nhiều người dân ở vùng đất đá sỏi này giàu lên nhanh chóng.
Ông G (áo tím) ngày nào cũng đi đo đất, khoanh đất rồi lại nhờ "cò" bán
Ông G. cho biết, mỗi mộ gió khi bán cũng được 4-5 triệu đồng, bằng ông đi làm mấy tháng. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua những khu mộ của kiểm lâm, ông cười khảy: “Có chi đâu chú, muốn làm trên đó thì dễ ợt, chỉ cần “cơ cấu” một tí là được. Các chú cần bao nhiêu?”. Chúng tôi ra giá 4 triệu đồng, ông G. khua tay: “Mảnh đất dưới này bán thế còn được, trên kia thì ít nhất cũng 5 triệu, vì còn phải lo cho kiểm lâm”.
Những “trùm” mộ gió như anh T., mệ T. tháng chỉ cần bán 2 mộ là tha hồ chi tiêu. Anh T. khoe: “Đất rừng này không ai nhiều bằng tôi, mỗi năm tôi bán cỡ khoảng vài chục cái... Cũng may nhờ nó mà tui sống được. Hiện tôi có tới vài ha trên núi Thiên Thai, ai cần chúng tôi đáp ứng”.
Với xu hướng đất chật, người đông, đất cho người chết càng trở nên khan hiếm. Chính thực tế này đã khiến người dân Huế đổ xô tìm đến với những người kinh doanh mộ gió. Họ cho biết mua như thế vừa nhanh vừa tiện, lại rẻ, chứ không rắc rối như mua đất nghĩa trang.
Chúng tôi vẫn thắc mắc một điều: “Nghề” kinh doanh mộ gió rộn rã thế, sao chính quyền địa phương không can thiệp? Anh T. cười tự tin: “Bọn em có “thuật” cả mà. Chỉ cần làm một cái giấy xin sửa mộ cho ông bà, cha mẹ... là họ đồng ý ngay. Họ không cho làm sao được. Họ có dám khẳng định ở dưới kia không có hài cốt không?”.
Trao đổi với chúng tôi trược thực tế này, ông Trần Hùng Nam, Chủ tịch UBND phường An Tây, TP Huế, phân trần: “Thực tế việc này từ trước không được quan tâm. Cho nên vấn đề quán lý đang gặp khó khăn, nhiều việc làm lén lút là khó tránh khỏi. Chúng tôi đã xây dựng 5 bảng cấm về hành vi huỷ hoại, lấn chiếm rừng để xây dựng lăng mộ trái phép. Việc rà soát các ngôi mộ gặp không ít khó khăn, vì không thể biết được ngôi mộ nào có hài cốt, ngôi nào không. Mà đào xới lên thì không thể vì quá nhiều và đây còn là vấn đề tâm linh. Dụng cụ rà soát lại không có…”.
Nguyễn Long