Thi hành án dân sự Hà Nội cần tự kiểm tra để phòng ngừa vi phạm

Ông Mai Lương Khôi- Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đề nghị các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội quan tâm hơn nữa tới công tác xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án đảm bảo chính xác, phản ánh đúng thực trạng. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phòng ngừa vi phạm.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội - ông Lê Quang Tiến.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội - ông Lê Quang Tiến.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2018, ông Vũ Hồng Dương - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, năm 2017 toàn thành phố đã đạt được kết quả tích cực, cụ thể đạt 80% về việc, 30,9% về tiền - giảm 8,5% số việc chuyển kỳ sau (vượt chỉ tiêu được giao là trên 70% về việc và trên 30% về tiền).

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã biểu dương một số đơn vị đạt cả 4 chỉ tiêu được giao như: Huyện Sóc Sơn, quận Nam Từ Liêm, huyện Thanh Oai, huyện Ba Vì, quận Hoàng Mai… Một số đơn vị đạt được tỷ lệ giải quyết xong tương đối cao về số việc như Sóc Sơn, Gia Lâm (91%); Nam Từ Liêm, Hoàng Mai (89%); Ứng Hòa, Phú Xuyên, Cầu Giấy (88%)…

Đồng thời, biểu dương một số đơn vị có kết quả vượt trội so với năm 2016, giảm được nhiều án tồn, tiền tồn chuyển sang năm 2018 như huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất, huyện Chương Mỹ.

Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp. Một số Chi cục, Chấp hành viên chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, giải quyết hồ sơ thi hành án, còn vi phạm thiếu sót trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, còn công chức bị kiểm điểm, kỷ luật trong năm 2017.

Năm 2018, mỗi cơ quan thi hành án dân sự cần thực hiện nghiêm quy trình tổ chức thi hành án, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, các vụ án lớn, phức tạp. Thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân; tập trung giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự.

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, thiếu sót, chú trọng công tác phúc tra việc thực hiện các kết luận kiểm tra. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm.

Ông Mai Lương Khôi phát biểu tại hội nghị.
Ông Mai Lương Khôi phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Lương Khôi - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định, năm 2017 cả hệ thống thi hành án dân sự cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội. Tuy bối cảnh chung ngày càng nhiều khó khăn, Hà Nội lại có nhiều đặc thù riêng nhưng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh năm 2018 số thụ lý mới về việc và tiền ngày càng tăng, biên chế giảm, ông Mai Lương Khôi yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự Hà Nội cần tiếp tục quán triệt đầy đủ các chủ tương chính sách của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Thành ủy cùng các kế hoạch trọng tâm của Bộ Tư pháp để tạo nền tảng, cơ sở triển khai toàn diện các mặt công tác.

“Các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội cần quan tâm hơn nữa tới công tác xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án đảm bảo chính xác, phản ánh đúng thực trạng. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phòng ngừa vi phạm, phát hiện thiếu sót để kịp thời chấn chỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự ngày càng vững mạnh, đảm bảo yêu cầu”- ông Khôi nhấn mạnh.

Cần sớm nghiên cứu xây dựng Luật Thi hành án hành chính

Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là sản phẩm của quá trình tố tụng hành chính tại Tòa án, cần phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, công tác thi hành án hành chính hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, khó khăn, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được niềm tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật đối với việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Ông Lực cho rằng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều cuộc khảo sát, trao đổi thảo luận trong các cơ quan Nhà nước cũng như giới chuyên gia về việc cần có một Luật Thi hành án hành chính riêng bên cạnh Luật Tố tụng hành chính để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ với các luật khác, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho công tác thi hành án hành chính.

Thế Kha