1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Thi hành án các vụ tín dụng ngân hàng đạt tỷ lệ quá thấp”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã khẳng định như trên tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự hôm qua (17/4), trước việc tồn đọng trên 17.000 việc với số tiền gần 65.500 tỷ đồng chưa được thi hành án.

​Hội nghị sơ kết công tác thi hành án 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: T.K)
​Hội nghị sơ kết công tác thi hành án 6 tháng đầu năm 2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: T.K)

Bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - cho biết, kết quả thi hành án dân sự trong 6 tháng qua đã tăng so với cùng kỳ năm 2016 nhưng so với yêu cầu thì chưa đáp ứng, còn tồn tại nhiều hạn chế. Tỷ lệ thi hành án xong cả về việc và tiền còn thấp, số lượng việc, tiền tồn chưa thi hành xong còn rất lớn.

Cụ thể, tổng số vụ việc và số tiền phải thi hành liên quan đến tín dụng ngân hàng trên toàn quốc rất lớn, gồm 18.800 việc, tương ứng số tiền trên 76.000 tỷ đồng, nhưng số việc còn tồn đọng chưa thi hành xong vẫn chiếm đa số, còn trên 17.000 việc với số tiền gần 65.500 tỷ đồng.

Trong đó, một số địa phương có số việc, tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng ngân hàng lớn như TPHCM (hơn 2.300 việc, trên 29.300 tỷ đồng), Hà Nội (hơn 2.900 việc, 11.000 tỷ đồng), Đồng Nai (gần 700 việc, trên 1.700 tỷ đồng), Long An (gần 900 việc, trên 2.200 tỷ đồng), An Giang (hơn 700 việc, gần 1.800 tỷ đồng), Hải Phòng (hơn 400 việc, 3.200 tỷ đồng).

Trong đó, một số tổ chức tín dụng, ngân hàng có số việc, số tiền phải thi hành chiếm số lượng lớn. Cụ thể, Ngân hàng Agribank số tiền phải thi hành trên 17.000 tỷ đồng; Vietinbank 7.200 tỷ đồng; BIDV trên 5.660 tỷ đồng; Techcombank trên 5.400 tỷ đồng; Vietcombank gần 4.200 tỷ đồng.

Ngoài 5 ngân hàng trên, còn khoảng 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng khác có số việc, số tiền phải thi hành đang được các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành.

Thẩm định tài sản, cho vay dễ dãi

Đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định các tổ chức tín dụng ngân hàng chưa tích cực trong việc nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án. Nhiều vụ việc, do phía tổ chức tín dụng ngân hàng xác định tài sản cầm cố, thế chấp không chính xác về ranh giới, vị trí, thẩm định giá cao hơn thực tế trong quá trình lập hồ sơ cho vay, dẫn đến hậu quả không xử lý được tài sản thế chấp.

Đơn cử như Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Cam Ranh phải trả cho ngân hàng Techcombank trên 63 tỷ đồng, nhưng sau khi kê biên, thẩm định giá tài sản thế chấp chỉ còn gần… 3,9 tỷ đồng.

Hay như sự việc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên (Bình Dương) có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam tổng số tiền gốc và lãi trên 417 tỷ đồng. Công ty này thế chấp cho ngân hàng là 74 quyền sử dụng đất có tổng diện tích khoảng 40h, nằm trong dự án dân cư Võ Minh Đức nhưng trong đó có 20 ha được cấp sổ đỏ, 20 ha còn lại chưa được cấp. Dự án nằm trong danh sách bị thu hồi, do đó quá trình tổ chức thi hành án chưa xác định được cụ thể các loại tài sản thế chấp, không xác định được ranh mốc đối với phần tài sản chưa được cấp sổ đỏ nên hiện nay cơ quan thi hành án đang tổ chức đo vẽ, cắm mốc tài sản.

Theo bà Lê Thị Kim Dung, có trường hợp ngân hàng còn nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không hoặc nằm trong quy hoạch; tài sản thế chấp là động sản nhưng khi xác minh thì không còn hoặc còn nhưng không đúng thực trạng ban đầu.

“Đến khi cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án thì rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị giải toả đền bù, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của chấp hành viên”- bà Dung nói.

Cơ quan thi hành án dân sự đề nghị các tổ chức tín dụng khi lập hồ sơ cho vay vốn, cần tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị tài sản trong tương lai gần. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.

Có tình trạng “đợi đương sự” ở cơ quan thi hành án

Ông Nguyễn Công Hồng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự tiến hành phân loại những bản án có điều kiện thu hồi tài sản và những bản án không có điều kiện. Các bản án liên quan đến tín dụng ngân hàng và tham nhũng ngày càng phức tạp nên phải bàn thảo kỹ để tìm ra lỗi khách quan, chủ quan.

Chia sẻ với những khó khăn mà hệ thống thi hành án dân sự đang đối mặt, ông Hồng nhận định: “Về lâu dài nếu không kiểm soát được thu nhập thì cũng là thách thức khó khăn trong thi hành án dân sự”.

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành đau đáu khi gần đây nội bộ các cơ quan thi hành án trên cả nước có nhiều “đơn thư phản ánh”, nhiều trường hợp phản ánh chính danh.

“Tôi mong Cục trưởng, Chi cục trưởng cơ quan thi hành án dân sư địa phương phải kỷ cương kỷ luật, công tâm khách quan và minh bạch, phải là tấm gương cho anh em nhìn vào noi theo. Đừng để khi về hưu người ta nhìn các đồng chí bằng con mắt khác”- ông Thành tâm sự tại hội nghị trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định việc thi hành án các vụ tín dụng ngân hàng còn đạt tỷ lệ quá thấp, nếu không khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiêu chí về thi hành xong số việc và số tiền trong cả năm 2017.

Nhìn thấy phòng họp của Bộ Tư pháp thưa thớt hơn lúc ban đầu, ông Dũng thẳng thắn: “Nếu các ngân hàng còn đại diện ngồi đây thì còn thể hiện thái độ phối kết hợp, còn nếu bỏ về rồi thì đề nghị Ngân hàng Nhà nước có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn, bởi không phải ngẫu nhiên mà Tổng cục Thi hành án dân sự có hẳn một chuyên đề về thi hành án các vụ liên quan đến tín dụng, ngân hàng”.

Đối với giải quyết khiếu nại, tổ cáo trong các cơ quan thi hành án dân sự, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhận định, tuy tiến bộ nhưng nhiều nơi, nhiều lãnh đạo đơn vị vẫn nếp cũ. “Vi phạm lặp đi lặp lại, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án chỉ đạo nhưng phản ứng chậm, rất chậm đặc biệt là khiếu nại tố cáo kéo dài. Vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ, đã có quy trình theo các bước nhưng tại sao vẫn vi phạm lặp đi lặp lại. Xử lý chuyện nhũng nhiễu trong 6 tháng cuối năm phải tính toán bài bản, nghiêm túc”- ông Dũng nói.

Đặc biệt, ông Dũng thừa nhận có tình trạng “đợi đương sự”, việc dễ thì làm, việc khó thì bảo “rút lên rút xuống”, phân công cho chấp hành viên việc dễ - khó thiếu công bằng như lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã phản ánh.

“Nhiều Chi cục trưởng, Cục trưởng thi hành án dân sự không sâu sát, gây mất đoàn kết nội bộ. Tôi đề nghị các địa bàn phải luôn luôn quan tâm tới vấn đề này. Nếu không kịp thời phối kết hợp thì không thi hành án được đâu”- ông Dũng chốt lại.

Thế Kha